Xây dựng phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại
Chính trị - Ngày đăng : 19:15, 16/12/2021
Cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 2 điểm cầu của tỉnh và 2 điểm cầu tại các Huyện ủy Tánh Linh và Thị ủy La Gi. Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh chủ trì cuộc họp.
Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 124 phường, xã, thị trấn, trong đó có 14 đô thị: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh được duy trì đạt khoảng 39,5%.
Trong 10 năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống theo tiêu chí của từng loại đô thị. Công tác vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước, giao thông được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại được quan tâm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động thương mại nội địa phát triển khá nhanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh các góp ý, đánh giá kết quả được nêu trong dự thảo báo cáo, các đại biểu cũng nêu lên những hạn chế trong công tác cải tạo, chỉnh trang các đô thị và việc gắn kết giữa các quy hoạch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong những năm qua được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng kịp thời quá trình phát triển của các đô thị. Chất lượng đô thị còn thấp, tốc độ phát triển chưa cao để tạo sự dẫn dắt, lan tỏa đến các vùng khác…
Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục chỉnh trang các khu đô thị ven biển. Cần cải tạo hai bên sông Cà Ty để tạo cảnh quang, điểm nhấn riêng của thành phố Phan Thiết để thu hút khách đến tham quan.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hoài Anh đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu đầy đủ các ý kiến, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh dự thảo báo cáo, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy (khóa XII) về xây dựng và phát triển đô thị đến năm 2020 đề ra.
Về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh đến xây dựng phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại với lộ trình phù hợp với chương trình phát triển đô thị và gắn với quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị; từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, văn minh, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc văn hóa, con người Bình Thuận; xác định tiêu chí của từng đô thị cần tập trung đầu tư nhằm hoàn thiện; cùng với đó đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp từng giai đoạn phát triển.