Khẳng định vai trò của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 16/12/2021
Mặt trận tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết 68 tại huyện Tánh Linh. |
Xác định tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Trong năm 2021, Mặt trận đã phối hợp triển khai thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cử tri toàn tỉnh đã phát huy quyền làm chủ, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với HĐND, UBND và các đơn vị liên quan trong các hoạt động ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt là trong tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các kỳ họp HĐND và trong thực hiện các chương trình phối hợp. Chính vì vậy, những ý kiến của cử tri do Mặt trận tổng hợp đã phản ánh một cách toàn diện giúp cấp ủy, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của nhân dân.
Song song đó, công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặt trận phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động lựa chọn các vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm hoặc các vấn đề đang bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát bằng nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện của đơn vị. Nhìn chung nội dung được chọn giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong năm 2021, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 210 nội dung giám sát với 690 vấn đề đến các cơ quan chức năng giải quyết và đã tổ chức 4 hội nghị phản biện về dự thảo nghị quyết của UBND 2 cấp tỉnh, huyện. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp đã phát hiện và kiến nghị, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như những hạn chế của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số nội dung nổi bật như chính sách cho người nghèo, dân tộc thiểu số, việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ…
Cùng với đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở được triển khai có hiệu quả, trong năm Mặt trận đã phối hợp hòa giải thành 1.037/1.490 vụ tranh chấp, xích mích gây mất đoàn kết trong nội bộ dân cư. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết nội bộ nhân dân, làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...
Những kết quả trên khẳng định rằng, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, phát huy vai trò Mặt trận là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
T.THỦY