Bảo đảm cung cầu hàng hóa dịp Tết Bính Thân
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:00, 19/01/2016
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều điều kiện tự nhiên, chịu tác động lớn của thời tiết, dịch bệnh nên có thể ảnh hưởng khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mặt khác vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn biến khá phức tạp, có nguy cơ gây tác động bất lợi thị trường, ảnh hưởng an sinh xã hội. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái thường hoạt động mạnh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người dân.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Bính Thân 2016 có thể tăng từ 15% đến 20%. Để đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời đẩy mạnh việc đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để phục vụ nhân dân gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đòi hỏi ngay từ bây giờ các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường.
Để làm tốt công tác bình ổn giá, Sở Công Thương với trách nhiệm chính cần theo dõi, dự báo sớm nguồn cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng lớn như gạo, nếp, thịt, trứng, đường, sữa, dầu ăn, rau củ quả, muối I ốt… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án hỗ trợ cho công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Các doanh nghiệp được chọn tham gia bình ổn giá có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả; kịp thời cung ứng đủ hàng hóa khi thị trường có biến động bất thường. Tổ chức bán hàng đúng quy định với giá đã cam kết, thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá theo đăng ký. Giá bán hàng bình ổn phải thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chất lượng. Thông tin công khai các điểm phân phối, bán hàng bình ổn thị trường, treo băng rôn, bảng hiệu, bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận lợi, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm. Ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu vực tập trung người lao động, khu vực nông thôn,vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm, UBND các huyện, thị, thành phố cần sớm thông báo rộng rãi về điểm bán hàng bình ổn giá của doanh nghiệp; rà soát các mặt bằng thuận tiện đang quản lý, sử dụng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia chương trình đặt địa điểm bán hàng bình ổn. Các cơ quan thông tin báo chí của tỉnh cần thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của nhà nước; cung cầu, giá cả hàng hóa để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt gây rối loạn thị trường; đồng thời tuyên truyền sâu rộng về Chương trình bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến người tiêu dùng trong dịp Tết Bính Thân 2016.
HỒNG LÊ