Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:19, 27/04/2016

BT- Với bờ biển dài gần 200 km và có nguồn lợi thủy sản dồi dào, Bình Thuận hiện là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, những năm qua các ngành chức năng và cộng đồng dân cư đã triển khai nhiều biện pháp từ công tác tuyên truyền đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt có tính chất hủy diệt, phát triển tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, nghiêm cấm khai thác một số loài thủy sản mùa sinh sản, khoanh nuôi tái tạo một số loài thủy sản quý hiếm…

Tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh tăng chậm, thu nhập của các chủ tàu và ngư dân có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là do nguồn lợi hải sản suy giảm bởi nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, thuốc nổ, xung điện và tận diệt hải sản non... cùng với sự gia tăng ô nhiễm không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường nước và tình trạng dân số tăng lên đã gây sức ép dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, khiến vùng biển của tỉnh đứng trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường, nguy hiểm đến tính mạng ngư dân.

Trước tình hình trên, việc tăng cường công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản nhất là thủy sản ven bờ phải được đặt ra cấp bách và quyết liệt. Công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu; cần tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những người làm nghề thủy sản những kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thấy rõ tác hại, nguy hiểm của việc đánh bắt thủy sản trái phép; vận động trong ngư dân về ý thức khai thác hải sản phải gắn với bảo vệ nguồn lợi, nâng cao tinh thần trách nhiệm tố giác các vi phạm để lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý… Hình thức tuyên truyền phải phong phú, dễ hiểu, dễ nắm bắt vận dụng và phù hợp với thực tiễn, tập quán của cư dân từng vùng và từng nhóm đối tượng.

Cùng với tăng cường tuyên truyền phải tạo được sự chuyển biến trong thực thi công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý trong hoạt động khai thác thủy sản trên các thủy vực, đặc biệt là các khu vực bãi đẻ, bãi giống tự nhiên trong mùa sinh sản. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các hành vi sử dụng các biện pháp hủy diệt như dùng thuốc nổ, thuốc độc, xung điện và sử dụng các ngư cụ cấm, nghề cấm, khai thác các loài trong danh mục cấm. Phối hợp tấn công tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, vật gây nổ từ trong đất liền; lập đường dây nóng; tổ chức ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép.

Tiếp tục thực hiện việc thả bổ sung giống thủy sản để tái tạo nguồn lợi trên ngư trường của tỉnh. Ưu tiên lựa chọn đối tượng thả là các loài bản địa, các loài có giá trị kinh tế và các loài quý hiếm. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, thả bổ sung giống thủy sản, đồng thời huy động, phối hợp các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, hội Phật giáo, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc kiểm kê nghề cá, tổ chức công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản phục vụ công tác quản lý. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, ban hành các vùng cấm khai thác, ngư cụ cấm, nghề cấm ở sông, hồ và các vùng nước tự nhiên khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Cần đánh giá thí điểm việc xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng như bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi sò điệp, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng biển ven bờ tại xã Phước Thể, mô hình đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý… Qua đó xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong khai thác, sử dụng và quản lý nguồn lợi thủy sản trên địa bàn ven biển.

   HỒNG LÊ