Bó tay với nạn bể hụi?
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 11:20, 27/03/2016
Vì sao một vụ lừa đảo diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng, gây thiệt hại rất lớn cho nhân dân, lại chậm được phát hiện, ngăn chặn?
Cử tri cả nước đã phải kiến nghị tới kỳ họp Quốc hội thứ 11 vừa khai mạc, bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn ở quy mô các địa phương nhỏ lẻ thì sao? Liên tục các vụ giật hụi, bể hụi, lừa gạt nhau số tiền từ vài chục triệu, vài trăm triệu, đến vài chục tỷ đồng, xảy ra như cơm bữa. Ngay ở thị xã La Gi (Bình Thuận) chỉ trong vòng 1 tháng sau tết liên tiếp xảy ra 2 vụ bể hụi “khủng” làm rất nhiều người dân khốn đốn. Khi hay tin bà M. trú tại khu phố 9 - phường Tân An “ôm” hàng chục tỷ đồng bỏ trốn, bà con tiểu thương chợ Tân An nháo nhào cả lên. Người mất ít thì vài chục triệu đồng, người thì hơn trăm triệu đồng không cánh mà bay. Khổ nỗi chị em tiểu thương buôn bán nhỏ, không huê hụi, vay nóng thì vốn liếng đâu làm ăn? Thành ra dù đã có bài học xương máu, vẫn nhắm mắt lao vào huê hụi.
Tiếp đến là vụ bể hụi của bà H. ở khu phố 3, phường Tân An cũng lên tới dăm tỷ đồng. Trong số các nạn nhân là lao động nghèo, có rất nhiều hoàn cảnh thật đau lòng: Bà lão gần 80 tuổi vẫn đi bán vé số dành dụm chút tiền phòng hậu sự đỡ làm phiền con cháu; người mẹ hàng ngày đi lượm phân bò bán để dành tiền mổ tim cho con… có lẽ họ sẽ trắng tay vì tài sản của bà H. đã tẩu tán hết. “Tao giật nợ đó, làm gì tao? Có giỏi đi kiện đi, vào tù là cùng chứ gì?”. Bà H. còn cao giọng thách thức các nạn nhân khốn khổ.
Chơi hụi (còn gọi họ, hội, huê…) là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam và thường do phụ nữ thực hiện, với 2 hình thức: hụi có lãi và hụi không có lãi. Trước đây việc chơi hụi chưa được pháp luật thừa nhận và bảo hộ, nhưng từ năm 2006 Chính phủ đã có Nghị định 144 quy định quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các vụ bể hụi nạn nhân luôn bị thua thiệt, còn kẻ giật hụi thì vẫn nhởn nhơ. Bởi pháp luật quy định về hụi còn rất sơ sài, bất cập. Ví dụ: đối với các vụ bể hụi quy mô lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thì bị khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, trong đó dấu hiệu bắt buộc là phải bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Nhưng do khi bể hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế cơ quan pháp luật không đủ cơ sở xử lý hình sự, mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.
Còn nếu nạn nhân khởi kiện dân sự, quá trình xử lý cũng gặp nhiều khó khăn “được vạ má đã sưng”. Nạn nhân cần cung cấp đủ các chứng cứ, như giấy tờ thể hiện giao dịch, xác định cụ thể số tiền đã đóng. Trong khi chủ hụi và con hụi thường thỏa thuận với nhau bằng miệng, không có giấy tờ, biên lai chứng minh.
Huê hụi là một hình thức tín dụng nhân dân mang tính tự phát từ bao đời nay. Pháp luật đã thừa nhận và bảo hộ quyền lợi người chơi hụi, thì cũng cần có một khung pháp lý chặt chẽ hơn cho hoạt động này. Trước tình trạng bể hụi diễn ra khắp nơi, liên tục, gây thiệt hại lớn cho nhân dân, chính quyền cần vào cuộc quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động hụi họ. Có thể quản lý qua thủ tục đăng ký và nộp phí với loại hụi có lãi, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để răn đe, phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt cần quy định lãi suất trần phù hợp, để hạn chế tình trạng người chơi bỏ lãi quá cao rồi không đóng hụi chết, dẫn đến bể hụi.
Đối với người chơi hụi, để hạn chế tối đa thiệt hại khi bể hụi, cần có sổ ghi chép, giấy tờ có chữ ký hai bên thể hiện việc giao nhận tiền, chụp hình, ghi âm các lần giao dịch giữa con hụi và chủ hụi để làm chứng cứ… Đừng để mất tiền rồi mới tự trách mình ngây thơ, cả tin thì cũng đã muộn.
Khôi Nguyên