Siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:41, 16/06/2016
Năm 2016 được xác định là năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp &PTNT, các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Bình Thuận đều có các chương trình hành động, chỉ thị, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với yêu cầu cần đạt được là đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, lợi ích người tiêu dùng, giữ vững uy tín về chất lượng sản phẩm trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm nông nghiệp.
Giải pháp quan trọng hàng đầu là phải tiếp tục ưu tiên cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh. Phát triển các mô hình sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích giám sát cộng đồng trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Song song với công tác tuyên truyền giáo dục, các ngành chức năng, trước hết là ngành nông nghiệp & PTNT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón hữu cơ và phân bón khác, đặc biệt chú ý đến các loại thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc ngoài danh mục; kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của hộ nông dân tại một số vùng trọng điểm sản xuất rau, củ, quả; đồng thời với đó tổ chức thanh tra việc thực hiện Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với chính quyền một số địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, buôn bán phân bón hữu cơ và phân bón khác... Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, ngành nông nghiệp PTNT và các địa phương cần có giải pháp để nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách. Tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là cán bộ các cơ quan quản lý cấp huyện, xã về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật; giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm quy định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó, khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát, kiểm tra để bảo đảm 100% các cơ sở đều phải được thống kê, kiểm tra, phân loại và công khai kết quả phân loại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết.
THẾ NAM