Xử lý triệt để thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:49, 02/06/2016
Bên cạnh việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, nguy hại hơn là tình trạng nhập lậu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV ngoài danh mục; thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam; thuốc BVTV có nhãn bằng tiếng nước ngoài bao gồm cả hóa chất bảo quản và kích thích tăng trưởng… từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu của thanh tra Cục BVTV, hàng năm lực lượng này đã phát hiện và xử phạt gần 3.000 trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất thuốc BVTV bất hợp pháp với số tiền khoảng 4 tỷ đồng/năm, trong đó có đến 40% số vi phạm về sản xuất thuốc bất hợp pháp, kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc BVTV không đạt chất lượng và các vi phạm về nhãn mác, thuốc không rõ nguồn gốc…
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều bộ, ngành có liên quan ở Trung ương như Công thương, Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường cũng như UBND các tỉnh, thành phố đã có nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo việc giải quyết vấn đề trên. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc BNTV nhập lậu, nhằm đưa hoạt động kinh doanh sử dụng thuốc BVTV đi vào nền nếp, ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV của các tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật, phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành chuyên môn, các hội đoàn thể thường xuyên phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết các loại thuốc BVTV nhập lậu (thuốc BVTV có nhãn bằng tiếng nước ngoài, thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam, bao gồm cả các hóa chất bảo quản và kích thích sinh trưởng cây trồng và sản phẩm cây trồng) và tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV nhập lậu để biết và chủ động phòng tránh. Tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, không sử dụng các loại thuốc BVTV nhập lậu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng (công an, quản lý thị trường…) và các địa phương tăng cường công tác quản lý và thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu; tổ chức điều tra, truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn các đường dây nhập lậu thuốc BVTV vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng các loại thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam đến đến vùng sâu, vùng xa phục vụ đủ nhu cầu sản xuất của nhân dân. Đồng thời cần khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc khuyến nông, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP… góp phần từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV tràn lan và thuốc BVTV nhập lậu như hiện nay.
Hồng Lê