Quản lý, giám sát chặt việc nuôi động vật hoang dã hung dữ

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:00, 15/12/2016

BT- Kinh nghiệm cho thấy động vật hoang dã rất khác so với vật nuôi và tình trạng nuôi nhốt sẽ khiến những nhu cầu sinh học của chúng không được đáp ứng. Nhiều vật nuôi hoang dã có thể ủ mầm bệnh và dễ dàng lây sang cho con người.

Hầu hết các loài khỉ mang vi rút herpes B - một loại vi rút có thể gây chết người; rùa và một số loài bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella - một vi khuẩn có thể gây bệnh truyền nhiễm đặc biệt cho trẻ em; vẹt và các loài chim khác cũng có thể lây truyền một số bệnh sang người trong đó có bệnh cúm gia cầm. Phần lớn các căn bệnh mới hiện nay đều do động vật lây truyền sang cho con người.

 Đặc biệt chúng có thể gây ra nguy hiểm, do là loài hoang dã chưa được thuần phục, mặc dù bị nuôi nhốt nhiều năm nhưng chúng vẫn có thể gây ra nhiều cái chết thương tâm. Trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra hàng chục trường hợp nuôi động vật hoang dã (gấu, hổ…) rồi bị chúng tấn công đến chết hoặc mang thương tật suốt đời. Mới đây, vào cuối tháng 9/2016 tại khu chuồng nuôi của Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương ở Dĩ An (Bình Dương) một nhân viên 40 tuổi bị hổ tấn công, chết tại chỗ khi vào chuồng nuôi cho hổ ăn. Trước đó, tại Khu du lịch Đại Nam, nơi có hàng trăm cá thể động vật hoang dã đã 2 lần xảy ra hiện tượng thú tấn công người nuôi, lần đầu, một con hổ phóng qua bức tường cao hơn 2m, tấn công người khiến 1 chết, 2 bị thương, còn lần sau là một con voi, dùng vòi quật chết người quản tượng. Cũng trong tháng 5/2016 tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị)  một đàn trâu vô chủ 9 con tấn công nhiều người dân, khiến 1 công nhân lâm trường bị thương nặng…

Để ngăn chặn có hiệu quả những rủi ro trong hoạt động nuôi, nhốt động vật hoang dã hung dữ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị, Sở Nông nghiệp PTNT và các cơ  quan báo, đài của tỉnh phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý, gây nuôi động vật hoang dã, nâng cao nhận thức về nguy cơ và biện pháp bảo đảm an toàn trong việc nuôi các loài động vật hung dữ. Cùng với đó, chủ động kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ như cá sấu, gấu, rắn… trên địa bàn, nếu cơ sở nào cố ý không chấp hành quy định về điều kiện nuôi, nhốt động vật hoang dã thì phải xử lý nghiêm. Tổ chức các đợt kiểm tra giám sát, hướng dẫn chủ nuôi gia cố chuồng trại, không để động vật hoang dã hung dữ thoát ra ngoài gây nguy hiểm cho con người; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật hoang dã.

Tiến hành khoanh vùng, quy định cụ thể các khu vực được nuôi động vật hoang dã hung dữ; vận động chủ cơ sở di dời trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ mất an toàn cao hoặc không nuôi nhốt và nên chuyển giao động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm nhóm IB, đặc biệt là các loài hung dữ về trung tâm cứu hộ, cơ sở nghiên cứu khoa học; tổ chức tiêu hủy nếu động vật ốm, mang mầm bệnh không có khả năng nuôi dưỡng lâu dài cho người và vật nuôi.

Ngành công an phối hợp với lực lượng kiểm lâm yêu cầu các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ cam kết và thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người; đảm bảo vệ sinh môi trường; tham gia ứng phó kịp thời nếu xảy ra trường hợp động vật hoang dã tấn công người hoặc thoát ra ngoài môi trường. Tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức giám sát, điều tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hải quan, biên phòng tăng cường việc ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất các loại động vật hoang dã từ các nước và địa phương khác vào địa bàn tỉnh.

THẾ NAM