Ngăn chặn, xử lý nghiêm việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:42, 29/11/2016
Một kết quả khảo sát vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã tại 6 thành phố lớn trên cả nước, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Huế và Đông Hà, do Tổ chức Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) thực hiện gần đây cho thấy có 651 trên tổng số 3.743 nhà hàng được khảo sát có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang đã, chiếm tỷ lệ 17%.
Tại Bình Thuận những năm qua cũng đã xảy ra nhiều vụ buôn bán, săn bắt động vật hoang dã bị xử lý như đầu năm 2015 đến tháng 6/2016 các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện xử lý 49 cá thể động vật hoang dã (trọng lượng khoảng 73 kg), trong đó có 27 cá thể thuộc loài động vật quý hiếm. Trước đó một số vụ bắn chết 6 con voọc quý ở Hàm Thuận Nam, săn lùng bò tót ở Bắc Bình cũng được các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm ở Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng dần về sự liều lĩnh, manh động và phương thức thủ đoạn. Mới đây, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đồng loạt lên tiếng cảnh báo về việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã trên mạng Internet; các thông tin mua - bán bất hợp pháp này đang được đăng tải trên tất cả các diễn đàn, các trang web rao vặt, quảng cáo, web cá nhân hoặc của công ty, mạng xã hội với rất nhiều cách để quảng cáo, từ thô sơ, trắng trợn đến tinh vi để rao bán loại hàng cấm này. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo số lượng các loài động vật hoang dã bị đe dọa trong Sách đỏ những năm qua ở nước ta không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn tăng về phân hạng đe dọa, cụ thể là đã có khoảng 700 loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở cấp độ quốc gia.
Trước tình hình trên, mới đây vào ngày 17/11/2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các tổ chức liên Chính phủ, tổ chức quốc tế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đa dạng, bảo tồn sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã quý hiếm là vấn đề toàn cầu. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm chắc tình hình, xác lập các chuyên án nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có ngà voi, sừng tê giác. Đồng thời, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao sớm đưa các vụ án ra truy tố, xét xử theo quy định pháp luật.
Có thể nói, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý cũng như hình thức xử lý vi phạm về bảo vệ động, thực vật hoang dã chưa đồng bộ và còn nhẹ làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với người phạm tội, khiến cho tình trạng buôn bán động vật hoang dã ngày càng nóng. Việc xử phạt nghiêm minh là biện pháp quan trọng và để xử phạt nghiêm minh thì quy định pháp luật cũng phải nghiêm minh, nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên đây vẫn được xem là giải pháp phần ngọn, bởi cái gốc của vấn đề chính là nhận thức của người dân. Do vậy để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đấu tranh phòng, chống sự suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, ngoài việc ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thì các cơ quan truyền thông của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Cách bảo tồn động vật hoang dã trong tự nhiên tốt nhất là mọi người dân không sử dụng thịt và sản phẩm từ động vật hoang dã. Khi cung không có thì cầu ắt sẽ tự mất đi, tệ nạn buôn bán, săn bắt trái phép động vật hoang dã sẽ bị đẩy lùi, góp phần bảo vệ những loài động vật hoang dã quý hiếm, tránh được nguy cơ tuyệt chủng, giúp nguồn đa dạng sinh học tại Bình Thuận được bảo tồn một cách tốt nhất.
THẾ NAM