Phải có biện pháp giảm trẻ đuối nước
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:42, 01/06/2017
Bình Thuận có rất nhiều sông, suối, biển, hồ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, trong khi một số gia đình, phụ huynh thiếu sự chăm sóc, chủ quan với những sinh hoạt hàng ngày của con trẻ nên nhiều vụ tai nạn xảy, trong đó có vụ nhiều trẻ bị chết rất thương tâm. Điển hình là vụ 3 cháu bé (có 2 cháu trong cùng gia đình) bị tử vong do đuối nước ở Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) vào cuối tháng 12/2015; vụ 2 trẻ trong một gia đình ở Tân Nghĩa (Hàm Tân) tử vong vào giữa tháng 6/2015; vụ 3 anh em trong một gia đình ở Suối Kiết (Tánh Linh) bị tử vong do đuối nước vào tháng 5/2016… Gần đây tại địa bàn La Gi liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước trong tháng 3 và tháng 4/2017 làm 2 trẻ tử vong; và chỉ cách đây mấy ngày một bé gái 12 tuổi chết thảm trong hồ bơi của resort Blue Bay tại phường Mũi Né.
Trước tình hình trẻ bị đuối nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thời gian qua, từ Chính phủ, bộ ngành Trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, nhìn chung công tác phòng, chống đuối nước trẻ em cũng mới dừng ở đó. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Môi trường sống vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước, vẫn còn nơi nước sâu nguy hiểm chưa có biển báo, rào chắn, làm trẻ ngã xuống bị tử vong. Trẻ em thiếu sự giám sát, nhắc nhở thường xuyên của cha mẹ, ông bà, đặc biệt là trẻ em nhỏ, vì vậy tử vong do đuối nước ở trẻ dưới 4 tuổi và trẻ mới đến trường khá cao.
Rõ ràng tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề bức xúc của xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Để phòng tránh và hạn chế tử vong do đuối nước cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Các cơ quan, ban ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho người dân và trẻ em.
Từng địa phương, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè và mùa mưa bão sắp tới như: làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt; làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm.
Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em tại địa phương. Cùng với đó phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Thế Nam