Để mọi người học tập suốt đời
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:21, 28/03/2017
Tuy đạt được một số kết quả nhưng so với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nhận thức của một số cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và người dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập vẫn còn hạn chế. Các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động. Hoạt động của nhiều Trung tâm học tập cộng đồng chưa hiệu quả, thể hiện trên các mặt như: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân; năng lực của một số cơ sở còn hạn chế, công tác khảo sát, điều tra nắm bắt nhu cầu của người học chưa thường xuyên, nội dung giáo dục chưa đa dạng nên huy động được ít người ra học; việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập còn hạn chế; nhiều xã, phường, thị trấn chưa bố trí được phòng, phương tiện làm việc cho các trung tâm học tập cộng đồng; một số trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả, các chuyên đề chưa thiết thực, hiệu quả nên chưa đáp ứng được hết yêu cầu của người dân. Công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức; một bộ phận người lao động chưa thấy được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời nên chưa quan tâm đến việc học và nâng cao trình độ…
Mục tiêu của việc xây dựng xã hội học tập là làm thế nào để bất kỳ người dân nào cũng được học tập, học tập suốt đời. Xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành nào mà là nhiệm vụ trực tiếp cần thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn về xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; có các hình thức động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập suốt đời, chú trọng đến những nhóm đối tượng khó khăn, điều kiện làm việc ít được tiếp cận với cơ hội học tập; chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong các trường học, cơ quan, đơn vị.
Với vai trò nòng cốt, ngành giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học thực hiện việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời tích cực tham gia với Hội tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc cấp xã quản lý. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; rà soát, đánh giá việc thực hiện hệ thống chính sách hiện có để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Củng cố, phát triển các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ - tin học nhằm đáp ứng nhu cầu người học; đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người.
THẾ NAM