Bộ trưởng Bộ TN-MT:Chỉ có 2 lựa chọn thôi: Nhận chìm và dùng lấn biển

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 14:01, 07/08/2017

BTO: Ngày 3/8, trả lời phỏng vấn của báo điện tử VietnamNet về việc nhận chìm gần 1 triệu khối vật chất nạo vét xuống biển Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Việc Viện hàn lâm khoa học vào (đánh giá toàn diện tác động môi trường-NV) theo tôi là cần thiết, không chỉ cho dự án Vĩnh Tân 1, mà cho cả trung tâm điện lực Vĩnh Tân.
Biển Hòn Cau. Ảnh: IT

Về lâu dài, nhu cầu bảo dưỡng, duy tu cả trung tâm điện lực Vĩnh Tân là rất lớn. tổng nhu cầu nạo vét cả khu vực cảng than cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân là khoảng 5 triệu khối. Rồi hàng năm còn bồi lấp, phải nạo vét tiếp. Vậy thì cần tính toán kỹ lưỡng, khoa học, để có giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Chỉ có 2 lựa chọn thôi: nhận chìm và dùng lấn biển.

Phải đánh giá các vùng biển để có lựa chọn địa điểm hợp lý cho nhận chìm. Rồi ngay bây giờ cần tính toán đến khả năng sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển. Việc này đòi hỏi những dự án đầu tư lớn, có tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn đang có kế hoạch đầu tư cảng dịch vụ tổng hợp Vĩnh Tân, với tính toán ban đầu cần hơn 1 triệu khối vật liệu san lấp. Nhưng để làm được thì trước tiên phải đầu tư 900 tỷ làm kè chắn sóng.

Cũng trong ngày 3/8, trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP HCM về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hoạt động phát triển kinh tế và môi trường phải hài hòa, ta đang đứng trước vấn đề bức xúc hiện nay là tiến độ dự án đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các tỉnh phía Nam. Theo dự báo từ năm 2018 trở đi, phía Nam thiếu năng lượng. Thứ 2 là ràng buộc hợp đồng kinh tế với nhà đầu tư, nếu chậm trễ tiến độ mỗi ngày bên có lỗi bị phạt 620.000 USD, đặt ra nhiệm vụ cho EVN và Bộ Công thương phải tính toán phương án tốt nhất.

Về phía tỉnh Bình Thuận, ngày 4/8 trả lời phỏng vấn báo điện tử Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Quan điểm của tỉnh trong toàn bộ vụ việc này là phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường. Từ đó tỉnh đã khẩn trương có văn bản đề xuất TW tạm dừng việc tiếp tục cấp phép nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển Bình Thuận. Đồng thời nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng các công trình lấn biển thay cho phương án nhận chìm, hoặc đề nghị TW cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn.

Cụ thể đối với gần 1 triệu khối chất nạo vét của Vĩnh Tân 1, để không ảnh hưởng tiến độ dự án, tỉnh đề xuất cho đổ toàn bộ khối lượng này vào khu vực diện tích dự kiến đổ vật chất nạo vét của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Đối với khối lượng vật chất nạo vét tại các nhà máy khác thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh đề nghị TW nghiên cứu tận dụng tối đa vào mục đích san lấp mặt bằng các công trình lấn biển khác lân cận, san lấp tại các khu vực ven biển Bình Thuận đang bị sạt lở nghiêm trọng, hoặc cho xuất khẩu cát nhiễm mặn, nhằm tận dụng tối đa vật liệu san lấp, thay cho phương án nhận chìm.

ĐD