“Con cái chúng ta giỏi thật !”
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:49, 16/06/2017
Bé nhà tôi học lớp 7 một trường THCS ở TP Phan Thiết. Vì năm học nào cháu cũng “giỏi”, nên cả nhà tôi coi đó là chuyện bình thường. Ngay cả cháu cũng coi đó là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng tự hào, vì lớp cháu giỏi gần hết. Không hiểu con cái chúng ta giỏi thật, hay là do hệ thống giáo dục, đánh giá, thi cử đang có vấn đề? Chẳng lẽ chất lượng dạy và học tiến bộ thần tốc đến thế?.
Không phải riêng tôi, mà nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra lo lắng, không yên tâm chút nào về thành tích “học sinh giỏi” của con mình. Một nghịch lý: học sinh giỏi quá nhiều lại khiến cả xã hội lo lắng, vì giữa thành tích và chất lượng giáo dục đang có khoảng cách.
Ảnh minh hoạ |
Tôi nhớ ngày xưa đi học, cả lớp, nhiều khi cả trường, cả khối, chỉ có một vài học sinh giỏi, xuất sắc. Còn bây giờ… Ngày xưa học trò thi được điểm 7, 8 môn văn, toán là mừng húm, còn điểm 9, 10 là “điểm của Chúa”. Bây giờ các cháu thi 9, 10 điểm là bình thường.
Nhưng chính việc dễ dàng đạt thành tích làm các cháu chủ quan, mất động lực phấn đấu, còn phụ huynh rất dễ ảo tưởng vào năng lực của con mình.
Nghe báo chí thông tin nhiều trường đang rối bời việc xét tuyển sinh vào lớp 6, do hàng ngàn hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối, cả 2 môn toán và tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học. Đúng là con cái chúng ta giỏi thật! Còn nghe nói xã hội có đủ loại “chạy”, thì trong học đường phụ huynh và học sinh cũng phải lao vào cuộc đua điểm số, “làm đẹp” học bạ để vào được trường chuyên, lớp chọn.
Ở góc độ khác, bệnh thành tích còn làm tình trạng dạy thêm - học thêm thêm trầm trọng. Tình trạng giáo viên lên lớp chỉ dạy cầm chừng, em nào muốn điểm cao phải đi học thêm. Nhiều phụ huynh cũng bệnh thành tích, tạo áp lực “phải học sinh giỏi” lên con cái, và thế là một mùa hè dày đặc lịch học thêm lại bắt đầu.
Nghành giáo dục đang cố gắng “nói không” với bệnh thành tích, nhưng sự đoạn tuyệt đó không hề dễ dàng. Quá nhiều học sinh “giỏi”, quá nhiều tiến sĩ “giấy”, quá nhiều cử nhân thất nghiệp vì khi tuyển dụng chẳng làm được việc gì… Ngay cả những giáo viên tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” cho đất nước cũng trăn trở, day dứt!
Đặng Dũng