Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:48, 24/10/2017

BT- Bình Thuận là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Qua điều tra, trên địa bàn tỉnh có 100 mỏ, 30 nhóm khoáng sản đa dạng với nhiều loại tiềm năng như sa khoáng titan, cát trắng thạch anh, wofram, đá ốp lát, setbentonit, nước khoáng và khoáng sản làm vật liệu thông thường như đá, cát, sỏi, sét phẩn bổ rộng trên địa bàn.

Nhằm khai thác một cách hiệu quả khoáng sản phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản được chú ý triển khai. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 41 giấy phép thăm dò và 55 giấy phép khai thác; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 15 giấy phép thăm dò và 18 giấy phép khai thác. Trong thời gian qua hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá phức tạp; trước đây là khoáng sản titan (khi giá đang lên cao) và hiện nay là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát san lấp, cát xây, sét sản xuất gạch ngói do nhu cầu xây dựng và nguồn vật liệu chưa đáp ứng. Việc khai thác cát, sạn bừa bãi đưa đến nhiều hệ lụy khôn lường mà ai cũng có thể thấy được là ngoài việc làm thất thoát tài nguyên quốc gia còn gây ra những hệ lụy khác như làm thay đổi dòng chảy của các con sông, gây sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, đường sá, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân; môi trường sinh thái bị ô nhiễm; sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn… đồng thời còn gây ra những xung đột xã hội giữa đối tượng khai thác với người dân bản địa và lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bởi phạm vi bảo vệ, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp của công tác này. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thiết nghĩ trước hết cần phải sớm có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; kịp thời ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, quy định rõ và giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, nhất là các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Tăng cường trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý  khoáng sản  trên địa bàn. Khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo thẩm quyền. Nếu để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép, thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành tài nguyên môi trường tỉnh cần làm tốt công tác thẩm định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch và bảo đảm yêu cầu về môi trường. Chủ động phối hợp với công an và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản để hướng dẫn, nhắc nhở tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ hoạt động khoáng sản, thực hiện tốt các quy định của giấy phép và pháp luật liên quan; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đối với các trường hợp cố tình không chấp hành; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đẩy nhanh công tác đấu giá và cấp giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức và cá nhân được cấp phép tự quản lý nguồn khoáng sản, kịp thời phục vụ cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

THẾ NAM