“Cứu cánh” cho người nhiễm HIV/AIDS
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 10:01, 08/12/2017
Trước đây, nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với cái chết, nhưng từ khi có thuốc điều trị ARV người nhiễm HIV/AIDS vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường như bao người khác.
80% thuốc ARV đang sử dụng ở Việt Nam từ nguồn viện trợ quốc tế. Vì vậy khi nguồn viện trợ này không còn nữa, tình trạng thiếu thuốc sẽ làm tăng 3 nguy cơ:
Trước hết là tăng tỷ lệ người tử vong do nhiễm HIV/AIDS.
Thứ hai là tăng khả năng bị kháng thuốc cho bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS.
Cuối cùng là tăng nguy cơ lây lan HIV ra cộng đồng.
Để đối phó, giải pháp của Việt Nam là sử dụng nguồn lực BHYT để điều trị bệnh nhân HIV/AIDS (hiện nay 82% người đang sử dụng thuốc ARV có BHYT).
Tuy nhiên, một “rào cản” lớn đối với người nhiễm HIV/AIDS khi chuyển sang điều trị theo chế độ BHYT là lo sợ lộ bí mật danh tính, địa chỉ. Bởi vì dù đã giảm nhiều so với trước, nhưng sự kỳ thị (thậm chí là miệt thị) với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, khiến nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao không dám đi xét nghiệm, hoặc nhiễm HIV rồi mà không dám đi điều trị.
Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra 3 lý do để bệnh nhân HIV/AIDS có thể yên tâm tham gia BHYT là:
Trên thẻ BHYT không có bất kỳ thông tin nào thể hiện người đó bị nhiễm HIV/AIDS.
Người bệnh không nhất thiết đăng ký khám chữa bệnh ở địa phương mình cư trú.
Các thông tin liên quan đến HIV chỉ được lưu hành trong nội bộ cơ sở y tế, không được chia sẻ về cơ quan, gia đình…
Ở Bình Thuận, nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) năm nay, ông Phạm Văn Thành (Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS) cho biết: Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1994, đến nay Bình Thuận có hơn 5.900 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó chỉ có hơn 1.300 người có địa chỉ ở Bình Thuận, còn lại nằm ở 2 trại giam của Bộ Công an là Thủ Đức và Huy Khiêm. Trong hơn 1.300 người nhiễm HIV địa chỉ ở Bình Thuận thì hơn 500 người đã chết, hơn 800 người còn sống, trong đó 750 người đang được điều trị bằng thuốc ARV.
10 năm gần đây, khi đẩy mạnh các biện pháp phòng chống như: phát bao cao su, bơm kim tiêm cho nhóm nguy cơ cao là gái mại dâm, người nghiện ma túy, tăng tỷ lệ người được cai nghiện bằng Methadone và được điều trị bằng ARV, tốc độ gia tăng “đại dịch thế kỷ” này đã chững lại (9 tháng năm 2017 cả nước phát hiện gần 7.000 trường hợp nhiễm HIV, giảm so với cùng kỳ năm ngoái).
Thế còn tương lai người nhiễm HIV/AIDS sắp tới ra sao? Ông Thành cho biết: do Bình Thuận không nằm trong tốp 10 tỉnh-thành dẫn đầu về người nhiễm HIV/AIDS, nên từ năm 2018 Bình Thuận sẽ không còn được nhận tài trợ quốc tế nữa. Từ năm 2018 thuốc ARV sẽ được thanh toán qua BHYT, tất cả người nhiễm HIV/AIDS phải có thẻ BHYT để được điều trị bằng ARV. Những trường hợp quá khó khăn không có tiền mua BHYT, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ mua ARV cho họ, bảo đảm 100% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị như Chính phủ chỉ đạo.
Hơn 20 năm gắn bó với cuộc chiến chống HIV/AIDS (từ năm 1996 đến nay), bác sĩ Phạm Văn Thành nhấn mạnh phương châm: “vừa điều trị, vừa dự phòng”.
Thuốc ARV đắt tiền, người nhiễm HIV/AIDS phải điều trị lâu dài, suốt đời, vì vậy tham gia BHYT là “cứu cánh” cho họ và gia đình.
Còn xã hội phải quyết liệt hơn nữa trong phòng chống HIV/AIDS.
Khôi Nguyên