5 thế mạnh phát triển du lịch La Gi

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:09, 10/11/2017

Hơn 20 năm trước, năm 1995 tôi lần đầu ra biển La Gi lúc đang là sinh viên báo chí đi thực tập môn sáng tác ảnh. Biển La Gi lúc ấy hoàn toàn hoang sơ, vắng vẻ, du lịch mới chỉ là tiềm năng, chỉ có những chiếc thuyền thúng nằm úp mặt ngủ vùi trên bãi cát, những con còng gió chạy như bay và đám trẻ làng chài đen nhẻm cứ níu tay đòi chụp hình.
Dự án Coco Beach Camp được đầu tư trên địa bàn thị xã La Gi.

Lần này tôi trở lại biển La Gi để tham dự một hội thảo “Du lịch La Gi - tiềm năng và triển vọng” do UBND thị xã tổ chức tại một khu du lịch biển đang nổi tiếng. Hơn 20 năm qua du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, du lịch La Gi dù đi sau Phan Thiết- Mũi Né, nhưng diện mạo cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhiều khu nghỉ dưỡng, resort, spa, KDL cộng đồng đã mọc lên. Thị xã có hơn 80 khách sạn, nhà nghỉ, trên 1.400 phòng và hơn 20 nhà hàng, trên 100 xe du lịch chất lượng cao. Dinh Thầy Thím có năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương. Từ con số không, nay cơ sở vật chất du lịch-dịch vụ như vậy là rất đáng mừng.

Nhưng cũng như nhiều điểm du lịch mới mẻ khác, La Gi cũng đang trăn trở tìm hướng đi riêng cho mình. Tiềm năng, thế mạnh có, nhưng nhược điểm, hạn chế cũng không ít, làm sao phát huy “lợi thế đi sau” để tạo ra sự khác biệt, mới có thể vươn lên bên cạnh các trung tâm du lịch đã nổi tiếng như Vũng Tàu, TP. HCM, Phan Thiết - Mũi Né…

Trần Quý Lễ - ông chủ KDL Coco Beachcamp, một điểm du lịch dã ngoại cao cấp ở La Gi cho rằng: Kinh tế La Gi vốn chỉ dựa vào ngư nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là chính. Nhưng hiện nay ngư trường cạn kiệt, nuôi trồng ngày càng thu hẹp do môi trường bị ảnh hưởng. Nông nghiệp thì không phải thế mạnh. Vì thế thị xã La Gi nên tận dụng 28 km bờ biển của mình để tập trung phát triển du lịch-dịch vụ.

Ông Lễ đánh giá La Gi có 5 thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đó là:

Khí hậu biển ổn định, ấm áp, lượng mưa ít và hiếm khi bị bão.

Có bờ biển dài, nông nên thích hợp cho du khách tắm biển, nghỉ ngơi.

Vị trí gần trung tâm du lịch TP. HCM với 3-4 giờ lái xe, đường sá tốt và cung đường đi đẹp, tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thị xã chưa phát triển nhiều nên không quá nhộn nhịp, vẫn còn nét xưa, cổ kính, dân cư hiền hòa, thật thà, tạo điểm lạ hấp dẫn du khách.

Ẩm thực La Gi khá ngon với nhiều loại hải đặc sản.

Thế còn nhược điểm của La Gi là gì? La Gi nằm kề các trung tâm du lịch lớn như: Phan Thiết - Mũi Né, Bình Châu, Vũng Tàu nên dễ bị lu mờ trên bản đồ du lịch, khó cạnh tranh với các điểm du lịch đã nổi tiếng.

La Gi không có thắng cảnh hay di tích nào nổi bật, ngoại trừ Dinh Thầy Thím thu hút khách tâm linh.

Du lịch chưa phát triển mạnh nên nguồn nhân lực chuyên nghiệp rất khan hiếm. Sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp ít trở về quê hương La Gi lập nghiệp.

Con người La Gi hiền hòa, chân chất, nhưng ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, thể hiện ở việc xả rác mọi nơi, ngư dân xả rác trên biển, các làng chài xả rác, hồ tôm xả rác, các trại cá xả thải, rồi khai thác titan hủy hoại môi trường.

La Gi chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có danh tiếng. Tình trạng số dự án được cấp phép nhiều, nhưng số dự án đi vào hoạt động ít, rất nhiều dự án chưa triển khai, cũng gây tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng du lịch thị xã.

Kết hợp hài hòa giữa tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa tín ngưỡng, La Gi muốn xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt như du lịch văn hóa tâm linh kết hợp khám phá và trải nghiệm các giá trị di sản lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, ẩm thực…

Tìm hướng đi riêng, tạo sự khác biệt để thu hút du khách, lãnh đạo thị xã La Gi quyết tâm mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư có  tiềm lực, có tâm huyết về vùng biển này.

KHÔI NGUYÊN