Bình ổn giá đi đôi với chống gian lận thương mại

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:25, 18/01/2018

BT- Theo dự báo, tình hình thời tiết, dịch bệnh dịp Tết Mậu Tuất 2018 có nhiều diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân và nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng sẽ tác động đến hàng hóa dịch vụ trong nước và trên địa bàn tỉnh. Đối với một số mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ tết do nguồn cung phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chịu tác động của thời tiết, dịch bệnh nên có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, tình hình tội phạm gian lận thương mại diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây tác động bất lợi đến thị trường, ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ tết với giá cả ổn định, các ngành chức năng, trước hết là ngành công thương cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, thực hiện tốt công tác tổ chức thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau tết. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, kênh phân phối, tăng cường các hoạt động khuyến mại giảm giá. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng; tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu dân cư có lao động thu nhập thấp, tạo điều kiện cho người dân mua bán thuận lợi. Gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng với đó phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo quy định. Quản lý chặt chẽ giá, phí của các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như nước sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón…

Đi đôi với việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá là phải tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2017, lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện trên 200 ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó thu ngân sách nhà nước trên 19 ngàn tỷ đồng, đồng thời khởi tố trên 1,6 ngàn vụ vi phạm với hơn 2 ngàn đối tượng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi trên thị trường dịp “năm hết tết đến” vẫn tràn ngập hàng lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động SX-KD, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tích cực vận động nhân dân không sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, SX-KD hàng giả, hàng kém chất lượng... Cùng với tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, bịa đặt loan tin về giá, tăng giá quá mức, không thực hiện việc niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết... trong đó tập trung kiểm tra những hàng hóa, dịch vụ: xăng, dầu, khí hóa lỏng, vật liệu xây dựng, phân bón, dầu ăn, đường, sữa, bia, rượu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chế biến, dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ trông giữ xe...

Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi SX-KD hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATVSTP; kiểm tra hoạt động đo lường trong kinh doanh, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận trong cân đong, đo đếm. Kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các loại sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, tàng trữ, buôn bán các chất gây nghiện, pháo nổ, văn hóa phẩm nội dung xấu, đồ chơi kích động bạo lực. Đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả các cơ sở kinh doanh sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi - giải trí, không để xảy ra các tụ điểm ma túy, mại dâm nhằm đảm bảo phục vụ nhân dân đón tết an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

THẾ NAM