Từ chuyện hoa quả Việt Nam “suýt” bị truy xuất nguồn gốc
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 11:05, 06/04/2018
Ảnh minh họa |
Cụ thể: từ ngày 1/4/2018 các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan kiểm nghiệm-kiểm dịch nhập khẩu tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”, gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung).
May là ngay sau đó, trên VTV1 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã “đính chính” rằng: thông tin này xuất phát từ một văn bản lưu hành nội bộ của Cục Kiểm nghiệm - kiểm dịch nhập khẩu tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đối với các doanh nghiệp nhập khẩu của tỉnh này phải chú ý hơn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc nông sản, chứ không phải một văn bản chính thức của Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam. Trong trường hợp có thông tin chính thức từ cơ quan kiểm nghiệm - kiểm dịch nhập khẩu Trung Quốc, thì Cục BVTV Việt Nam sẽ được thông báo. Điều đó có nghĩa tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam (trong đó có thanh long) vẫn diễn ra bình thường.
Trung Quốc là thị trường chính của thanh long Bình Thuận, được cho là “dễ tính” hơn các thị trường Âu, Mỹ do hàng rào kỹ thuật dễ chịu hơn. Gần đây Trung Quốc bắt đầu tăng cường hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và người tiêu dùng trong nước, khiến nông sản Việt bắt đầu gặp khó.
2. Chuyện tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) “đòi” truy xuất nguồn gốc hoa quả Việt làm chúng tôi nhớ lại Dự án dán tem mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long trước khi đưa ra thị trường, được Hiệp hội Thanh long Bình Thuận tiến hành vài năm trước. Sở KH-CN Bình Thuận và một vài doanh nghiệp đã kiên trì thực hiện dự án này, vì biết rằng kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh gay gắt. Trên thực tế, quả thanh long có dán tem “Bình Thuận” được tiêu thụ nhanh hơn, có giá hơn ở các thị trường ngoài nước-nơi truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều đương nhiên.
Tiếc rằng, ngoài số ít doanh nghiệp nhận thức được và hưởng ứng dự án này, thì phần đông doanh nghiệp còn thờ ơ, lý do: khách hàng Trung Quốc không đòi hỏi dán tem cho quả thanh long, nên việc dán tem chỉ làm tăng thêm thời gian và chi phí đóng gói. Ngân sách nhà nước không thể bao cấp mãi được, nên dự án dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận - Việt Nam” lên quả thanh long khó duy trì, nhân rộng ra được.
3. Từ chuyện hoa quả Việt “suýt” bị truy xuất nguồn gốc, lại liên hệ đến 5 nhà đóng gói thanh long được đầu tư 34 tỷ đồng từ vốn vay ADB (theo dự án QSEAP) tại 2 “thủ phủ” thanh long là huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, bàn giao cho các HTX, THT thanh long từ năm 2016 nhưng không hoạt động mà đóng cửa, bỏ hoang, có nơi cho thuê làm đám cưới, gây lãng phí mà báo chí phản ánh. Mới đây tại một cuộc họp báo, trả lời bài “Công trình vay tiền nước ngoài để cho thuê… đám cưới” trên Pháp Luật TP. HCM (13/3), Sở NN-PTNT cho biết: Hầu hết 5 nhà đóng gói hoạt động không hiệu quả, phải đóng cửa hàng năm trời, chủ yếu do năng lực tài chính và sản xuất - kinh doanh của các HTX, THT thanh long yếu kém.
Sắp tới, để sử dụng hiệu quả 5 nhà sơ chế, đóng gói thanh long này, Sở NN-PTNT đã tham mưu tỉnh giao 4 nhà đóng gói cho UBND huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc quản lý, riêng nhà đóng gói Hàm Minh giao cho Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận quản lý.
Bên cạnh niềm hy vọng khi Hiệp định CPTPP vừa được ký kết, các chuyên gia cảnh báo: Việc hưởng lợi khi thuế suất về 0% sẽ không đơn giản, bởi song song với hạ thuế các nước trong CPTPP sẽ nâng hàng rào phi thuế quan lên rất mạnh, nhất là hàng rào kỹ thuật, VSATTP để bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa trong nước.
Nông dân Việt, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế trước thời cơ và thách thức này.
Khôi Nguyên