30 năm sau Gạc Ma
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:20, 16/03/2018
27 năm sau, ngày 13/3/2015, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Kinh phí xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do công nhân viên chức lao động cả nước đóng góp.
Ngày 15/7/2017, Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở bán đảo Cam Ranh được khánh thành, có chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, với biểu tượng vòng tròn bất tử của 64 chiến sĩ hải quân đã ngã xuống giữa biển khơi. Nơi đây trở thành điểm đến để những người dân Việt Nam kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người con anh dũng.
30 năm sau Gạc Ma, đất nước chưa bao giờ được nguôi yên trước các cơn sóng dữ rình rập đe dọa chủ quyền biển đảo. Từ sự kiện hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đến sự kiện Gạc Ma đau thương năm 1988 và sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, nằm trong chuỗi âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Chúng ta không còn tin vào những lời hoa mỹ, hão huyền.
Từ năm 2009, Trung Quốc công bố đường lưỡi bò phi lý, bao phủ hầu hết biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia như Việt Nam, Philippin…Tiếp đó Trung Quốc tăng tốc xây dựng, bồi đắp 6-7 bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, xây dựng trên đó các công trình kiên cố như đường băng, doanh trại quân sự, bến cảng. Các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo gồm: Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi… đều thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm bằng vũ lực năm 1988. Gạc Ma-nơi máu những người con Việt Nam đã đổ, giờ mọc lên hàng loạt công trình xây trái phép của Trung Quốc.
Hiện nay, dù hòa bình và hợp tác là dòng chảy chính của thế giới. Dù năm ngoái trong khuôn khổ tham dự APEC 2017 tại TP Đà Nẵng, lãnh đạo 2 nước Việt Nam-Trung Quốc đã ra tuyên bố chung: “Kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông”. Nhưng nguy cơ xung đột trên biển, nhất là tại khu vực quần đảo Trường Sa luôn hiện hữu. Việt Nam cần tỉnh táo và cảnh giác để không bị cuốn vào các cuộc xung đột trên biển.
Bài học đau thương Gạc Ma cho thấy, khi thế nước suy yếu là lúc kẻ thù thừa cơ xâm phạm bờ cõi. Việt Nam phải tự thân củng cố nội lực của mình. 30 năm sau Gạc Ma, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh lên, chúng ta đã tăng cường sức mạnh cả chính trị, kinh tế và quốc phòng.
Thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đưa Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển cao hơn. Trên lĩnh vực kinh tế biển, chúng ta đang hình thành những đội tàu đánh bắt xa bờ, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, với việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ dài ngày, bám biển sản xuất kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị định 17 bổ sung Nghị định 67, nhằm tăng mức hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Về quân sự, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hạm đội tàu ngầm Kilo tinh nhuệ, nâng cao năng lực phòng vệ biển đảo. Việt Nam cũng đang đa dạng hóa nguồn lực quân sự của mình, từ tên lửa, tàu ngầm, tàu chiến của Nga, Pháp, Ấn Độ, đến xúc tiến mua sắm các vũ khí hiện đại từ Mỹ, để tăng cường quốc phòng.
Về chính trị, Việt Nam đã làm hết sức mình để phát huy hết sức mạnh của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Việt Nam cũng đang làm hết sức mình để tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng cùng phát triển với Trung Quốc.
30 năm sau Gạc Ma, những người thân của 64 liệt sĩ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ chồng, cha, con mình. Đất nước sẽ không quên bài học đau thương này, bởi Hoàng Sa-Trường Sa đã ở trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Đ.D