Kéo giảm tai nạn giao thông phải từ mô tô - xe máy
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:18, 15/05/2018
Bên cạnh những tiện ích mà mô tô - xe máy mang lại thì hậu quả mà nó gây ra cũng không nhỏ nếu xét trên phương diện an toàn giao thông. Trên phạm vi cả nước có khoảng 70% số vụ do mô tô, xe máy gây ra và có tới 2/3 số người chết liên quan đến mô tô - xe máy. Riêng tại Bình Thuận, trong quý I/2018 có tới 76 vụ tai nạn giao thông do xe máy gây ra, chiếm 68,5% số vụ; 38 người chết, chiếm 62,3% và 63 người bị thương, chiếm đến 82,9% tổng số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra. Tình hình tai nạn do mô tô - xe máy ngày càng có chiều hướng gia tăng không chỉ trên các tuyến quốc lộ và ngay cả khu vực nông thôn, thời gian xảy ra nhiều nhất là từ 18h - 24h, nạn nhân phần lớn là những người trẻ tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, nhưng chủ yếu là do người điều khiển xe mô tô - xe máy chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Khi có dịp lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A, chúng ta sẽ thấy rất nhiều hành vi vi phạm như điều khiển xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, xe chở nhiều người, hàng hóa cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu… Ở các tuyến đường trong nội thị, nông thôn, ngoài các hành vi vi phạm trên các vi phạm khác cũng rất dễ bắt gặp như vượt đèn đỏ, bất chợt rẽ ngang hoặc quay đầu xe không phát tín hiệu, điều khiển xe khi uống rượu bia… Đặc biệt là tình trạng đua xe vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là tuyến đường tránh Trường Chinh, đường Võ Văn Kiệt (Phan Thiết), đường Hòa Thắng - Hòa Phú tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng (vụ đua mô tô "khủng" tại tuyến đường Hòa Thắng - Hòa Phú).
Vì vậy, để kéo giảm tai nạn giao thông nói chung thì trước hết phải giảm được tai nạn từ mô tô - xe máy gây ra. Các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, hiểm họa tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, nhất là thời điểm thường xảy ra nhiều vụ tai nạn (từ 18h - 24h) và các địa bàn thường xảy ra tai nạn như dân cư sống ven các tuyến quốc lộ, các tuyến đường nội thị có nhiều phương tiện lưu thông; tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người đi xe mô tô, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2 theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng sát hạch lái xe; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm. Thông báo số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe để tiếp nhận phản ảnh của người dân về vi phạm, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, tập trung vào các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện; người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Ngoài ra, sớm triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn Phan Thiết và mở rộng ở các địa bàn khác có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, nhất là các tuyến đường thường xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép. Tăng cường gọi hỏi, răn đe các đối tượng có biểu hiện và hành vi đua xe; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Thế Nam