Ngăn chặn vấn nạn mua bán người
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:55, 02/05/2018
Như chúng ta đã biết, bọn mua bán người thường dùng mọi thủ đoạn lừa gạt nạn nhân, mà chủ yếu là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để bán họ sang các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia để làm vợ hoặc đưa vào các tụ điểm mại dâm... Có một thực tế, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu là những cô gái trẻ ở nhiều địa phương khác nhau. Có những cô gái vốn xuất thân từ nông thôn nghèo khó, chỉ vì muốn có cuộc sống tốt hơn, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, họ đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt ở phía bên kia biên giới, rồi từ đó rơi vào bẫy của bọn buôn người.
Ở Bình Thuận cũng đã xảy ra rất nhiều vụ án mua bán người được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Trước đó, có một đối tượng ở ngoài tỉnh là Vũ Thị Lục (SN 1957), trú tại xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã dụ dỗ 2 thiếu nữ ở huyện Tuy Phong để bán sang Trung Quốc. Sau đó 2 thiếu nữ này đã trốn thoát khỏi động chứa mại dâm ở Trung Quốc tìm về Việt Nam, rồi tố cáo hành vi mua bán người của Lục và đồng bọn với cơ quan chức năng. Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Thuận và Bình Định còn phối hợp điều tra đường dây đưa phụ nữ bán sang Trung Quốc, đó là đối tượng Nguyễn Thị Mai (SN 1981), trú tại khu phố 2, phường Phước Lộc, thị xã La Gi. Mai là kẻ cầm đầu đã từng đưa 17 phụ nữ (trong đó 9 người ở Bình Thuận, 7 người ở Bình Định và 1 người ở Kiên Giang) bán sang Trung Quốc làm vợ. Và còn rất nhiều vụ việc khác liên quan đến vấn nạn buôn bán người xảy ra trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh về hành vi mua bán người. Trước Tết Nguyên đán 2017, Bộ Công an đã trao trả nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người về địa phương, trong đó Bình Thuận có 4 phụ nữ…
Làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn buôn bán người, mục tiêu đặt ra đối với tỉnh là sẽ tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, làm giảm nguy cơ mua bán người, các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt nạn nhân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động, kết hôn để lừa bán. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và tích cực tham gia đấu tranh chống các hành vi liên quan mua bán người. Theo đó, tất cả các địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn. Để làm tốt các mục tiêu trên, đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác định địa bàn trọng điểm mua bán người, chú trọng công tác nghiệp vụ, tập trung phát hiện, điều tra khám phá các vụ án mua bán người. Tập trung lực lượng điều tra, khám phá các vụ án mua bán người, đặc biệt là triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, liên tỉnh và giải cứu kịp thời các nạn nhân, truy bắt các đối tượng phạm tội. Thực hiện tốt công tác truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, đảm bảo các vụ án đều được truy tố và xét xử nghiêm minh, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm…
Thanh Quang