Tập trung cho năng lượng tái tạo

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:11, 20/11/2018

BT- Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của tỉnh Đảng bộ có thể thấy nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khá khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,33%. Trong kết quả chung có sự đóng góp quan trọng lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nhất là công nghiệp. Giá trị tăng thêm từ sản xuất công nghiệp trong 3 năm 2016 - 2018 đạt bình quân khoảng 9,76%/năm; cao hơn nhiều so lĩnh vực nông nghiệp (3,64%) và dịch vụ (7,68%).

Góp phần vào sự phát triển với tốc độ cao của ngành công nghiệp phải kể đến ngành năng lượng, với những lợi thế sẵn có và định hướng chiến lược tập trung phát triển các dự án nhiệt điện, thủy điện, điện gió, các tuyến đường dây, trạm biến áp… Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 9 nhà máy điện, gồm 2 nhà máy nhiệt điện, 4 nhà máy thủy điện và 3 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất trên 3.122 MW. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ phát điện thương mại vào cuối năm nay; nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đạt trên 54% tiến độ… Nhờ vậy, trong 10 tháng của năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng cao với mức 19,8% so cùng kỳ năm 2017; trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng rất cao 33,17%.

Trong phát triển công nghiệp, nếu như các lĩnh vực chế biến chế tạo, khai khoáng, cấp nước và xử lý rác thải giá trị sản lượng tăng chậm, thậm chí có lĩnh vực sụt giảm trong các thời điểm nhất định như công nghiệp khai khoáng; thì lĩnh vực năng lượng luôn có sự phát triển cao và hoạt động khá sôi động. Sau thủy điện cơ bản đã khai thác hết tiềm năng và nhiệt điện than với hạn chế là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì năng lượng tái tạo đang được khuyến khích phát triển trong tương lai. Được biết, Bình Thuận hiện có 113 khu vực/dự án tiềm năng quy hoạch điện mặt trời với diện tích 14.198 ha; tổng công suất tiềm năng quy hoạch lên đến 11.648 MWp. Đến nay đã có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư trên 5.341 Mwp; tổng diện tích 6.720 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến trên 137.208 tỷ đồng. Cùng với điện mặt trời, Bình Thuận hiện là tỉnh đầu tiên trong cả nước có quy hoạch phát triển điện gió được phê duyệt, có nhiều dự án điện gió tốt đang chờ vốn. Mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 700 MW và đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW.

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Bình Thuận đang phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội và tiến tới tự chủ về ngân sách. Để thực hiện mục tiêu đó có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung phát triển công nghiệp mà chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp năng lượng và chủ lực sẽ năng lượng tái tạo. Để ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và kỳ vọng của nhà đầu tư, nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi về giá mua điện năng lượng tái tạo, về thuế, tiền sử dụng đất… Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành năng lượng, nhất là khắc phục tình trạng chồng lấn quy hoạch giữa các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với quy hoạch khoáng sản theo hướng ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để làm tốt công tác xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chọn những nhà đầu tư thật sự có kinh nghiệm, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các dự án năng lượng tái tạo thường có diện tích đất khá lớn, do vậy các địa phương có dự án phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ dự án trong công tác đền bù, giải tỏa cũng như tuyên truyền, vận động người dân trong việc giải phóng mặt bằng. Các sở, ngành liên quan cần rà soát, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng dự án; đề xuất phương án hỗ trợ để các dự án sớm khởi công và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.

THẾ NAM