Uống rượu bia “có trách nhiệm”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 10:12, 19/11/2018

BT- Lần đầu tiên, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được trình trước Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến sẽ được ban hành tới đây. Tác hại của rượu bia là điều không còn bàn cãi, hậu quả nặng nề mà bia rượu gây ra là vô cùng lớn. Dư luận xã hội hết sức lo lắng, bất an trước thực trạng tình trạng lạm dụng rượu bia hiện nay của người dân nước ta đến mức báo động. Mặc dù dự luật chậm được ban hành nhưng hết sức cần thiết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Dự thảo luật này đang rất được quan tâm bởi không chỉ liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn liên quan tới cả các khía cạnh kinh tế, văn hóa. Rượu vào lời ra, trong chuyếnh choáng men những ngôn từ khó nghe, nói năng lỗ mãng, “móc họng” được bạn nhậu tuôn ra. Nếu hiểu ý nhau thì sẽ chẳng có gì, bằng không sẽ dẫn tới ẩu đả, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, thậm chí dùng cả hung khí để đâm, chém nhau. Ở khía cạnh văn hóa, một khi con người đã say sẽ không còn lý trí, bất chấp tất cả, đi đứng liêu xiêu, lếch thếch, thái độ, hành động, cử chỉ không còn chuẩn mực và sẵn sàng gây nguy hiểm cho người khác.

Hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức bình quân đầu người quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít (năm 2016). Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đang ở mức cao: 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu bia ở mức có hại. Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13/17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng rượu bia có tác hại rất lớn nhưng ở nước ta rượu bia được sản xuất vô tư, sản lượng của các công ty, nhà máy rượu bia năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc tiêu thụ, mua bán rượu bia hết sức đơn giản, cứ ra đường phố là tràn ngập quán nhậu, thậm chí ngay cả các em thiếu nhi mua rượu bia vẫn được.

Được biết, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20- 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Theo Bộ Y tế việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu bia, bởi hiện nay mức độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Và Bộ Y tế cho biết kể từ khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi trong 3 tháng, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị, góp ý của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại của rượu bia.

Về tên gọi “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”, có luồng ý kiến muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào luật, điều này dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi lạm dụng mới gây hại. Nhưng trên thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn - chỉ cần vài chén rượu, dăm ly bia là có trạng thái “lâng lâng”, khi tham gia giao thông đã có thể gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác.

Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Để hạn chế sử dụng rượu bia, Nhà nước cần có luật để điều chỉnh cá nhân, tổ chức tuân thủ, cần cấm bán rượu bia  cho trẻ em; không bán rượu bia trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng là những nội dung quan trọng dựa trên bằng chứng quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cần được đưa vào dự thảo luật. Truyền thông thay đổi hành vi, thói quen về sử dụng quá mức rượu bia cần được chú trọng thường xuyên hơn. Để luật đi vào cuộc sống cần có thời gian và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành nghiêm luật này. Nói như các chuyên gia của Bộ Y tế thì khi dự thảo luật chưa có hiệu lực thì mỗi người khi uống rượu bia phải có trách nhiệm với mình và mọi người. Đừng để những hậu quả đáng tiếc do bia rượu xảy ra trước khi quá muộn.

NHƯ NGUYỄN