Biển đảo và chiến sĩ hải quân
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 16:26, 06/03/2019
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có nhưng không thấy về…”
Và cha ông ta đã tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những người không trở về như một lễ truy điệu cho những người chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa. Câu chuyện lịch sử ấy thật hào hùng, khí phách làm sao!
Các chiến sĩ Hải quân quân ôn lại lịch sử trận chiến hào hùng trên vùng biển Trường Sa và diễn biến trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa năm 1988 |
2. Hơn nữa thế kỷ trước, khi đất nước đang bộn bề xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, Bác Hồ của chúng ta đã nhắc nhở: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có trời có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Từ chỗ chỉ có 2 hải đội, Hải quân Việt Nam đã trở thành quân chủng hùng mạnh với đầy đủ phương tiện, vũ khí, khí tài, lực lượng tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ hùng hậu, dũng cảm, can trường, tinh nhuệ… qua đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc, cụ thể của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.
3. Là người đã hai lần đến quần đảo Trường Sa, một lần theo dấu hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển, được ăn, ở, được sinh hoạt, tìm hiểu cuộc sống và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội hải quân, tôi hiểu sâu sắc về những vất vả, gian lao, hy sinh to lớn của bộ độ hải quân. Tôi tự nghĩ: gian lao, vất vả, hy sinh, thì bộ đội hải quân là gian lao, vất vả hy sinh nhiều nhất, cả trong thời bình lẫn thời chiến. Trên đất liền, dù khó khăn đến đâu, xa xôi cách trở đến đâu vẫn có hạnh phúc là được lăn mình vào đất, được nghe chim hót, tiếng nước suối chảy; được thoải mái rau xanh, được gặp gỡ nhiều người dân khác nhau ở địa bàn. Khi bố mẹ, người thân có đau ốm, việc trọng, có thể cắt phép về nhà. Hải quân – nhất là cán bộ chiến sĩ giữ đảo, nhà giàn, hải đội, không thể như vậy. Đảo nhỏ, thân thuộc đến độ các chiến sĩ có thể quen từng viên sỏi, gốc cây; có phép cũng không được “cắt” được để về nhà. Thời bình mà cũng như là thời chiến, khi có chiến sĩ trẻ vừa cưới vợ đã phải biền biệt cả năm trời, con sinh ra bố không về được, bố mẹ mất không kịp về chịu tang… phải ý chí lắm, quyết tâm lắm, can trường lắm mới có thể vượt qua khó khăn, thử thách đó.
Tôi được ba lần tham gia lễ tưởng niệm chiến sĩ hải quân hy sinh, mỗi lần tham gia tôi lại thấy sự hy sinh đó thật lớn lao. Tôi từng nghĩ, có những chiến sĩ hy sinh đến hai lần. Lần thứ nhất là khi ngã xuống; lần thứ hai là không còn thân xác để trở về đất liền. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rất nhiều cán bộ chiến sĩ ta đã ngã xuống, dù hàng chục năm như anh Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên của chúng ta, sau 80 năm bị thực dân Pháp tử hình, vẫn có ngày được về quê. Còn khi các chiến sĩ hải quân ngã xuống, hy sinh trên biển – điều đó có nghĩa là ở lại mãi mãi với muôn trùng khơi. 64 chiến sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma trong trận chiến giữ đảo ngày 14/3/1988, được biết, có một ít xương cốt đã được tìm thấy trong thân chiếc tàu hải quân đắm sau 20 năm, hòa lẫn với nước biển. Không phân biệt được của ai, tất cả đều trộn lẫn…
Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Trường Sa |
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng kể: “Khi đến thăm Trường Sa, mình cứ nghĩa là mình giáo dục anh em, nhưng khi mình đến thì chính anh em giáo dục lại mình. Anh em đều rất trẻ, nhưng rất ý chí, rất can trường, biết chấp nhật gian khổ hy sinh”. Chính vì vậy mà tình cảm của nhân dân, của thanh niên đối với cán bộ chiến sĩ hải quân là rất lớn. Khi những chương trình, những cuộc vận động hướng về biển đảo được phát động, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng tích cực. Lấy ví dụ như chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, khi báo Tuổi Trẻ phát động, lập tức nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Có em bé nghèo, nhịn ăn sáng để ủng hộ; có cụ già khi hấp hối kêu con cháu để tiền phúng điếu ủng hộ; có người bán vé số, mỗi ngày tích lại ít tiền hoa hồng ủng hộ.
4. Biển, đảo là một phần rất quan trọng đối với Quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế, mở cửa ra thế giới; và hiện nay, vấn đề tranh chấp biển càng trở nên nóng bỏng, gay gắt, trong đó có vấn đề biển Đông. Điều đó lại đặt cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân vào một tư thế mới, tình hình mới, gian lao hơn, vất vả hơn, đòi hỏi sự cống hiến, hy sinh lớn hơn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội luôn luôn hướng về biển đảo và Đoàn Thanh niên cũng có nhiều hành động, phong trào cụ thể để cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hải quân, nhân dân các huyện đảo, và ngư dân đánh bắt xa bờ. Hiện nay, ngoài “Góp đá xây dựng Trường Sa”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang chỉ đạo tất cả tổ chức Đoàn các địa phương có cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo có các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các đồng chí bằng những việc làm cụ thể như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ học tập, chăm sóc khi đau yếu…; giao lưu kết nghĩa với các đảo, viết thư thăm hỏi bộ đội Trường Sa… Thường xuyên phối hợp Quân chủng Hải quân tổ chức những chuyến “Hành trình vì biển đảo quê hương”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo thông qua sinh hoạt Đoàn, phương tiện truyền thông của Đoàn, Đoàn Thanh niên sẽ luôn sát cánh, kề vai cùng với lực lượng thanh niên Quân đội nói chung, tuổi trẻ Quân chủng Hải quân nói riêng để động viên, cổ vũ các đồng chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Dương Văn An