Biển đảo trong trái tim tuổi trẻ
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 16:30, 04/03/2019
Minh chứng thứ nhất, đó là cách đây khoảng 20 năm, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đăng ký đưa lực lượng TNXP Hải Phòng ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ. Sau 5 năm xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Đảo Bạch Long Vĩ thành đảo Thanh Niên. Với sự năng động, cần cù, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách của lực lượng thanh niên xung phong và nhân dân nơi đây, Bạch Long Vĩ trở thành huyện đảo phát triển như ngày nay. Kế thừa kinh nghiệm và thành công này, năm 2001, Đoàn thanh niên tiếp tục đăng ký xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo Thanh Niên. Hiện nay, đảo Thanh Niên Cồn Cỏ có nhiều công trình văn hóa, xã hội, dân sinh tương đối đồng bộ, có nhiều hộ gia đình thanh niên xung phong đến lập nghiệp, hàng chục cháu được sinh ra trên đảo.
Minh chứng thứ hai, từ năm 1998, Đoàn thanh niên đã triển khai phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” với nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền về biển đảo, viết thư thăm hỏi bộ đội Trường Sa, kết nghĩa giữa đơn vị Đoàn Thanh niên trong đất liền với các đơn vị bộ đội công tác trên các đảo, các vùng biên giới; nhận giúp đỡ gia đình chiến sĩ công tác ở biên giới, hải đảo; thực hiện các công trình hướng về Trường Sa thân yêu như nhà kính trồng rau, thắp sáng Trường Sa…
500 sinh viên xếp chữ "Vững chủ quyền khởi nghiệp từ biển" tại bãi biển Triều Dương - Phú Quý |
Trở lại với công tác tuyên truyền biển đảo, có thể nói, chính các hoạt động phong phú của Đoàn trên công tác tuyên truyền, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, tuyên truyền thông qua các sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội:
Ban Bí thư Trung ương Đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức các diễn đàn thanh niên, buổi sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu, tập huấn, giao ban, hội nghị, hội thảo, triển lãm… để tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; các nội dung về biển, đảo về các chứng cứ lịch sử cũng như căn cứ pháp lý theo công ước Luật biển 1982 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; định hướng dư luận thanh niên trước các vấn đề về tranh chấp trên biển Đông… qua đó giúp đoàn viên, thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của biển, đảo, thềm lục địa trong phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng tình yêu biển đảo trong tình yêu Tổ quốc và các quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong ứng xử các vấn đề trên biển Đông. Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nói chuyện thời sự về chủ quyền biển đảo Tổ quốc và tình hình biển Đông cho đoàn viên thanh niên; đồng thời vận động thanh thiếu niên tham gia ủng hộ nguồn lực, kinh phí, chăm lo đời sống, học tập cho con em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, hỗ trợ các bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa; tăng cường kết nghĩa với các đơn vị, địa phương nơi biên giới, hải đảo…, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí nơi biên giới, hải đảo.
Thứ hai, tuyên truyền thông qua các hoạt động thực tiễn
Các hoạt động thực tiễn nhằm tuyên truyền về biển, đảo của Đoàn khá phong phú, phù hợp với nhu cầu của tuổi trẻ và có hiệu quả cao. Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” được phát động từ năm 1998 với nhiều hoạt động thiết thực đã đi vào tình cảm của đoàn viên thanh niên. Để làm mới các hoạt động của mình và tăng thêm sự thuyết phục trong tuyên truyền vận động thanh niên, từ năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hướng” theo định kỳ mỗi năm 1 lần, đưa đoàn viên thanh niên tiêu biểu đến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Từ các chuyến đi này, nhiều nội dung tuyên truyền về biển, đảo và các công trình thanh niên về biển, đảo và các công trình thanh niên có ý nghĩa xã hội to lớn đã được thực hiện như “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Thắp sáng Trường Sa”, “Nước ngọt cho Trường Sa”…
Chương trình góp đá xây Trường Sa |
Chương trình “Góp đã xây Trường Sa” xuất phát từ việc một bạn sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh khi được Trung ương Đoàn chọn tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” với chủ đề “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo” (năm 2011) đã mang theo một nắm đất để góp phần làm cho đảo bớt nhỏ trước biển. Câu chuyện nhiều cảm xúc và đầy ý nghĩa này là một gợi ý cho báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đã xây Trường Sa”. Chương trình không chỉ tác động trong phạm vi của Đoàn thanh niên mà lan tỏa ra xã hội. Đến nay, chương trình đã nhận được sự đóng góp của hàng chục vạn tập thể, cá nhân, mà trong số họ, có những người đi bán ve chai, em học sinh nhỏ nhịn ăn sáng, thanh niên công nhân để dành phần tiền tăng ca, hoặc cụ già trước khi “quy tiên” đã dặn con cháu sử dụng tiền phúng điếu “làm việc nước”… Chỉ trong vòng 9 tháng, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được hơn 42 tỉ đồng đóng góp, cho thấy tình cảm, trách nhiệm, sự tự nguyện của thanh niên, nhân dân trước các vấn đề biển đảo… là vô cùng to lớn. Khi chúng ta biết khơi đúng mạch thì hiệu quả mang đến rất lớn.
Song song với “Góp đã xây Trường Sa”, Trung ương Đoàn củng chỉ đạo báo Thanh Niên thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi” để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân trẻ trong mua sắm ngư lưới cụ, khắc phục khó khăn khi gặp sự số tàu thuyền, mưa bão; hỗ trợ học bổng cho con em học tập tốt… Chương trình đã giúp đỡ nhiều ngư dân trẻ yên tâm bám biển, bám ngư trường, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở các ngư trường trên biển Đông.
Năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011), một đợt tuyên truyền về biển đảo đặc biệt được Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp thực hiện qua 2 hoạt động lớn, là “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trển biển” và Cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”. Hành trình này có thể nói là một hành trình lịch sử, đã đưa thế hệ thanh niên ngày nay và các cựu thủy thủ tàu không số năm xưa trở lại cung đường huyền thoại trên biển, từ bến K20 Hải Phòng đến Vàm Lũng – Cà Mau với các chặng cập bến là các điểm dừng để đưa vũ khí, thuốc men từ miền Bắc chi viện cho miền Nam chiến đấu 50 năm trước; đã tạo nên một sự kiện giáo dục lịch sử, sự kiện truyền thông lớn của năm 2011. Cuộc thi “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trển biển” thu hút trên 2,5 triệu đoàn viên, thanh niên và nhân dân gửi bài dự thi là một hoạt động tự giáo dục lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, với rất nhiều bài viết hay, đầy cảm xúc, trình bày công phu. Hai hoạt động trên tạo ra nhiều chất liệu sinh động để hệ thống báo chí khai thác, tuyên truyền.
Một hoạt động thực hiện khác hiện đang được xúc tiến triển khai đó là phát huy kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong xây dựng đảo thanh niên Bạch Long Vĩ và đảo thanh niên Cồn Cỏ, Trung ương Đoàn tiếp tục nghiên cứu và đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quy hoạch Đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2011 – 2020, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả xây dựng đảo thanh niên, bao gồm: Đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Đảo Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Việc xây dựng các đảo thanh niên sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng giáo dục cho thanh thiếu niên nhận thức sâu sắc vai trò trách nhiệm trong xây dựng giữ gìn biển đảo, tham gia phát triển kinh tế biển, làm giàu lên từ biển…
Thứ ba, tuyên truyền thông qua hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn.
Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn là “binh chủng” truyền thông lớn, mạnh mẽ, có nhiều đề tài hay trong tuyên truyền về biển đảo. Hệ thống tin bài tập trung vào 3 mảng cơ bản:
- Về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển đảo Việt Nam.
- Khăng định chủ quyền Việt Nam đối với các đảo, quần đảo trên biển Đông (Hoàng Sa, Trường Sa); đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch và nước ngoài.
- Xây dựng cuộc sống, khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế trên biển, đảo
- Các chương trình, phong trào, tình cảm của nhân dân cả nước hướng về biển đảo và quân dân trên đảo.
Đặc biệt, tuyến bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch và nước ngoài có nhiều bài hay, được nghiên cứu sâu với nhiều tư liệu có giá trị như: Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng xuất hiện trong lịch sử địa đồ Trung Quốc”, “Thu thập hơn 100 tư liệu, hiện vật liên quan đến hải đội Hoàng Sa”, “Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc”, “Trung Quốc tự mâu thuẫn về “đường lưỡi bò””, “Luật Quốc tế và chủ quyền Việt Nam trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa”… hoặc hệ thống bài viết ca ngợi ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền, ca nợi tình yêu biển đảo như loạt bài “Đất thiêng trên biển Đông”, “Cả đời bám biển”, “Ngư dân liên kết bám biển”, “Thắp sáng nhà giàn ĐK”…
Có thể nói, công tác tuyên truyền về biển, đảo của Đoàn thanh niên từ Trung ương đến cơ sở, từ sinh hoạt, hoạt động thực tiễn đến hệ thống thông tin đại chúng… thời gian qua khá tích cực, tạo sự chuyển biển về nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên về trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo; vun đắp tình cảm, nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong việc chia sẻ, giúp đỡ và tham gia có hiệu quả các hoạt động hướng về đồng bào, chiến sĩ, thanh thiếu nhi nơi biên giới, hải đảo; đồng thời nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dương Văn An