Còn vang vọng mãi
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 13:49, 25/02/2019
Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”. |
T ừ tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận thấy sức khỏe giảm sút so những năm trước. Tuy tinh thần vẫn sáng suốt, song không biết mình có thể phục vụ cách mạng được bao lâu nữa, nên Người chủ động viết Di chúc “phòng khi tôi đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.
Bản Di chúc của Bác được viết trong 4 năm, vào lúc Người mạnh khỏe và minh mẫn. Trong Di chúc, Người căn dặn những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, như: Chỉnh đốn Đảng; chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân; miễn thuế một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng lại các thành phố, làng mạc; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa; củng cố quốc phòng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau...
Đặc biệt trong Di chúc để lại, điều đầu tiên là nói về Đảng với nhiều trăn trở. Đối với vấn đề đoàn kết trong Đảng, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Để tạo nên sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, Người dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Với tầm nhìn xa trông rộng, từ nửa thế kỷ trước, Bác đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức trong Đảng và kiểm soát quyền lực. Người tiên liệu sau khi đất nước thống nhất sẽ xuất hiện những nguy cơ mới mà một Đảng cầm quyền có thể mắc phải. Đó là quyền lực mà không gắn liền với đạo đức, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tất yếu sẽ dẫn tới tha hóa. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tư tưởng “nêu gương” của Bác gói gọn trong câu nói: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người chỉ rõ nguyên tắc của “nêu gương” là “nói đi đôi với làm”. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.
Thực hiện Di chúc của Người, 50 năm qua nhờ luôn giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh những yếu kém, tồn tại, Đảng ta không ngừng chỉnh đốn lại đội ngũ, đổi mới tư duy, khẳng định vị thế một Đảng cầm quyền, chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam không ngừng tiến lên phía trước. Đặc biệt công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua đạt được nhiều thành tựu to lớn, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đất nước ta nay đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người.
Thực hiện lời căn dặn của Người “Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch”, toàn Đảng đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Cuộc chiến chống giặc “nội xâm” đang vào hồi quyết liệt nhất, hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã bị điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” được cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, đẩy lùi, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tập trung ở cán bộ có chức có quyền, thách thức nghiêm trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ, kìm hãm đất nước phát triển. Để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng mong muốn của nhân dân và Di chúc của Bác, cần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, hiệu quả hơn, kiên quyết loại bỏ một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ra khỏi Đảng.
Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người mãi là tấm gương sáng có sức lan tỏa, lôi kéo mạnh mẽ, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đang cố gắng học tập và làm theo Người bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và bình dị nhất.
Khôi Nguyên