Chung tay phòng chống nạn mua bán người
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:15, 15/04/2019
Điều đó cho thấy tình hình tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về mua bán người, bọn tội phạm còn lợi dụng để đưa người di cư trái phép và môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động… nhằm lừa đảo đưa ra nước ngoài. Nhiều trường hợp đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép và lao động bất hợp pháp.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 8 năm trở lại đây, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ mua bán người với hơn 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh thành; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…
Tình hình tội phạm mua bán người ở Bình Thuận không quá phức tạp như các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nam bộ nhưng những năm gần đây cũng đã xảy ra nhiều vụ án mua bán người được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý như vụ Vũ Thị Lực lừa 2 thiếu nữ ở Tuy Phong bán sang Trung Quốc; vụ Nguyễn Thị Mai ở La Gi đưa 17 phụ nữ (trong đó 9 người ở Bình Thuận) bán sang Trung Quốc làm vợ; vụ Trần Thị Thanh ở Phan Thiết làm dịch vụ môi giới lấy chồng ngoại để mua bán phụ nữa sang Trung Quốc… Ngoài ra còn có hàng chục đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh về hành vi mua bán người.
Trước tình hình tội phạm mua bán người ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện có kết quả kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/CP Chính phủ về triển khai thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người năm 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh như Công an, Bộ đội Biên phòng cần tổ chức điều tra cơ bản, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp và dự báo tình hình tội phạm. Kịp thời chỉ đạo triển khai các kế hoạch, biện pháp công tác nghiệp vụ, phát hiện các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người để lập chuyên án đấu tranh, triệt phá, giải cứu nạn nhân. Mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật như Viện Kiểm sát, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ mua bán người, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân, nhất là trẻ em.
Qua các vụ án cho thấy thủ đoạn phạm tội của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân. Do vậy công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội phải được coi trọng. Cả xã hội phải cùng vào cuộc để phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em. Cần tiếp tục lồng ghép công tác truyền thông với cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tập trung vào các địa bàn trọng điểm thường xảy ra nạn mua bán người. Xã hội hóa công tác truyền thông nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng tham gia thực hiện công tác truyền thông về phòng chống buôn bán người. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông cần tập trung vào nhóm phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ cao; đa dạng các hình thức truyền thông phù hợp, chú ý đặc trưng của vùng, miền để có phương pháp, công cụ và hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt cần tạo được phong trào quần chúng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ nạn nhân, nhân chứng trong điều tra, truy tố và xét xử. Triển khai đề án đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân; xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; xây dựng chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân về y tế, chăm sóc sức khỏe, học nghề, trợ giúp pháp lý, vốn vay lãi suất thấp… giúp nạn nhân tái hòa nhập thành công ngay tại cộng đồng.
THẾ NAM