Đã uống không lái, đã lái không uống!
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 15:14, 16/05/2019
Đã lái không uống - Đã uống không lái!; Đã lái xe - không uống rượu bia! Những khẩu hiệu này, giờ đây đang như một thành ngữ, được nhắc đến rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Sáng chủ nhật ngày 12/5, cả vạn người xuống đường đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, dẫn đầu đoàn đi bộ là Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình và nhiều lãnh đạo các bộ ngành, đoàn thể, lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Thực tế cuộc sống đã dạy rằng, lúc này rất cần sự thực thi nghiêm túc “Uống không lái - Lái không uống”; “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Những khẩu hiệu đó đang có sức lan tỏa với tình cảm sâu lắng, xúc động sau cái chết oan ức giữa đêm khuya của 2 người mẹ có con nhỏ trong hầm Kim Liên, Hà Nội, đầu tháng 5 vừa qua. Thủ phạm gây nên cái chết thương tâm đó là một tay lái say xỉn rượu bia.
Hơn 10.000 người người là bạn bè, đồng nghiệp, trong đó có nhiều người không hề quen biết nạn nhân cùng nhau đến nhà tang lễ thắp nén nhang trầm, tiễn biệt người xấu số. Dư luận xã hội cho rằng, rất ít có những đám tang của người lao động bình thường có sức lay động trái tim to lớn đến như vậy. Họ nắm chặt tay nhau, mắt nhòe lệ, cùng nhau dán trên ngực áo tấm thẻ được kẻ lô gô và dòng chữ: “Đã uống rượu bia - không lái xe”; “Đã lái không uống, đã uống không lái”.
Trên mạng xã hội, dấy lên cả một phong trào kêu gọi lái xe có trách nhiệm hãy đoạn tuyệt với rượu bia khi cầm vô lăng. Xã hội nhắc nhở các lái xe: “Đằng sau tay lái là sinh mệnh của bao người thân yêu, sinh mệnh của vợ con, người thân và của chính mình”.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, nhắc nhở, hô to sáng 12/5/2019: “Đã lái không uống, đã uống không lái!”; “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Hơn 10.000 người - trong đoàn đi bộ mang theo băng rôn, biểu ngữ cùng đồng thanh hô to như thế. Đó chính là thông điệp có sức lan truyền đầy cảm hứng. Đó chính là mệnh lệnh của cuộc sống, từ trái tim, là thứ rất cần kíp về tác phong và đạo đức của lái xe - chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.
Một nghiên cứu mới đây về “Bi kịch của Văn hóa rượu bia ở Việt Nam” của một nhóm nhà khoa học xã hội, cho biết: Việt Nam đang đứng trước vấn nạn bia rượu vô cùng tai hại. Năm 2017, mỗi người Việt Nam uống 8,9 lít rượu, đứng hàng đầu Đông Nam Á, tăng 90% so với năm 2010, xếp thứ 65/196 quốc gia uống bia rượu.
Tính ra, năm 2007, Việt Nam uống gần 6 tỷ lít rượu bia, ngốn 4 tỷ USD cho thứ độc hại này. Rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc; các cơ quan chức năng thống kê, có tới 40% số vụ tai nạn giao thông làm chết 15.000 người/ năm là do rượu bia gây ra.
Rượu bia quá chén tác hại khôn lường đến sức khỏe, làm phát sinh bao loại bệnh hiểm nghèo, tác động tiêu cực đến nòi giống. Bia rượu quá chén gây bao hệ lụy xã hội, bê tha, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái, do không kiểm soát được hành vi mà làm tan cửa nát nhà.
Rượu bia quá đà thâu đêm suốt sáng gây lãng phí thời gian, chậm trễ giờ làm, xói mòn nét đẹp văn hóa truyền thống vốn rất nhân văn, tốt đẹp của người Việt v.v…
Xã hội Việt Nam đang xuất hiện một tệ nạn xấu, một thứ văn hóa … kỳ cục, đó là ép nhau uống rượu bia, thi thố uống rượu, uống bia. Ai không uống được, từ chối chén rượu, ly bia bị cho là khinh bạc, coi thường bạn bè, chơi không hết mình; quan hệ bạn bè xung khắc, thậm chí rút dao đâm chém nhau.
Tính mạng con người là trên hết. Rượu bia đã từng gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong cả nước, trong đó có Bình Thuận, khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ.
Quốc lộ 1 A chạy qua địa bàn Bình Thuận và các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ khác trên địa bàn đã từng chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc, mà nguyên nhân chính là do lái xe, người điều khiển phương tiện say xỉn. Vì cuộc sống bình yên, vì sự trường tồn của dân tộc, mọi người hãy nói “không” với rượu bia khi lái xe.
QUỐC TOÀN