Phải biết nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 15:32, 10/05/2019
Có thể nói, trong thời đại hiện nay, việc tự do thông tin, tự do nói lên quan điểm cá nhân của mọi người cũng dễ dàng như việc thưởng thức một tách cà phê vậy, chính vì thế mà các nguồn thông tin trở nên đa dạng, đa chiều hơn.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích giúp mọi người tiếp cận tin tức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, thì một số bộ phận có ý đồ xấu lại lợi dụng điều này để tung ra những tin đồn sai lệch thực tế, mang tính chất tiêu cực, và kích động người dân nói chung và một số bộ phận cán bộ đảng viên bất mãn nói riêng quay lưng với Đảng, Nhà nước, tiếp tay vào các hoạt động tuyên truyền, phát tán nội dung xấu sai sự thật.
Điều đáng sợ là, tiếng lành thì chẳng đồn xa trong khi tiếng xấu thì lại gợi lên cảm giác tò mò, muốn tìm hiểu, muốn đưa ra ý kiến cá nhân dễ dẫn đến mất đoàn kết, mất định hướng và nghiêm trọng hơn là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số bộ phận đảng viên nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung. Đứng trước thực tế như vậy, một câu hỏi được đưa ra là: cán bộ, đảng viên nên làm gì để có thể ngăn chặn được thực trạng này?
Thời gian qua, để chủ động nắm bắt thông tin và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã linh hoạt sử dụng nhiều hình thức chuyển tải thông tin chính thống, như: Thông qua hội nghị thời sự dành cho cán bộ chủ chốt; qua giao ban báo chí và dư luận xã hội hằng tháng; biên tập, cung cấp thông tin có định hướng của Đảng bộ cho đội ngũ báo cáo viên qua 2 bản tin thông qua các kênh của báo cáo viên: “Sinh hoạt chi bộ”, “Thông tin tuyên truyền viên”;…
Nhờ đó, việc theo dõi, nắm bắt và phản ánh, định hướng dư luận xã hội từng bước đi vào nền nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác tham mưu, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã yêu cầu, hướng dẫn các địa phương, đơn vị duy trì chế độ báo cáo tổng hợp định kỳ theo tháng và báo cáo đột xuất khi có vấn đề phát sinh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, gương người tốt việc tốt, an ninh trật tự, vấn đề khác mà báo địa phương đã nêu... Qua đó, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; phục vụ đắc lực hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội còn chưa kịp thời, một số vụ việc gây bức xúc dư luận ở địa phương chưa được dự báo sớm. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở một số đơn vị chưa đi vào nền nếp. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong nắm bắt và định hướng dư luận về những vấn đề nảy sinh chưa chặt chẽ...; trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên trong công tác nắm bắt tình hình, phân tích dư luận xã hội có lúc chưa hiệu quả, khó đánh giá; trình độ của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở cơ sở không đồng đều, đa số là kiêm nhiệm do đó chưa đầu tư thời gian và trí tuệ thỏa đáng trong việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội.
Nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội là phải nắm bắt nhanh, kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các vấn đề, hiện tượng, sự kiện có tính thời sự, được nhiều người quan tâm để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ những nét cơ bản nhất của đời sống xã hội; góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác điều hành của chính quyền.Và như vậy, trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại, chúng ta những cán bộ, đảng viên khi tiếp nhận cần chủ động nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội và phải giữ vững tư tưởng lập trường vững vàng, có niềm tin tuyệt đối vào chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước. Đừng im lặng mà luôn lên tiếng, đóng góp xây dựng Đảng vững mạnh.
Dụng Văn Duy