Quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:33, 10/07/2019
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 900 người là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Điều đáng nói là tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Như vậy địa phương nào cũng có nạn nhân và tội phạm mua bán người. Qua các vụ án mua bán người cho thấy, thủ đoạn của đối tượng mua bán người chủ yếu được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới. Nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, đẻ thuê... Những năm gần đây, nạn nhân của những vụ mua bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây, mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn có cả những nam giới và trẻ sơ sinh. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến mua bán người đã được công an phát hiện triệt phá. Nhiều nhất là năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp nhận 9 đơn cầu cứu về hành vi mua bán người, nhưng thực tế có thể nhiều hơn. Trước Tết Nguyên đán năm 2017, Bộ Công an đã trao trả nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người về địa phương, trong đó Bình Thuận có 4 phụ nữ trú tại các xã: Sông Lũy, Hải Ninh, huyện Bắc Bình. Trước khi các nạn nhân này được “giải thoát” đều báo với gia đình là vào TP. Hồ Chí Minh để tìm việc làm, nhưng đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn bán người, và rất may được Công an Trung Quốc phát hiện trong một đợt truy quét nên mới có cơ hội giải thoát.
Xuất phát từ tình hình phức tạp cũng như tính đặc thù của tội phạm mua bán người, thời gian qua Đảng, Nhà nước cũng như các bộ, ngành chức năng có liên quan đã đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống mua bán người.đồng thời nỗ lực xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh, làm công cụ pháp lý cho các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác phòng chống mua bán người. Bên cạnh đó, nước ta đã ký kết 4 Hiệp định song phương về phòng chống mua bán người với các nước láng giềng là Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc. Đồng thời cũng đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) của Liên hợp Quốc. Điều đáng nói ở đây là, để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, nước ta cũng đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đề cập đến vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Các văn bản này đã tạo dựng một khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người có hiệu quả.
Đối với địa phương chúng ta, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”. Việc ban hành kế hoạch này nhằm mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống mua bán người. tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng chống mua bán người, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành, địa phương cần phải chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” một cách thiết thực, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng…
thanh quang