Lời cảnh báo từ cửa khẩu

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:18, 20/08/2019

BT- Trong những ngày qua, hàng trăm xe container loại lớn chở thanh long từ Bình Thuận và các tỉnh phía Nam phải nằm tại cửa khẩu Lào Cai chờ để xuất khẩu sang Vân Nam (Trung Quốc). Nhiều chủ hàng đã làm xong thủ tục phía Việt Nam từ nhiều ngày trước vẫn chưa thể đưa hàng qua biên giới. Nguyên nhân được cho là do một số thay đổi về chính sách vận tải hàng hóa phía Trung Quốc và việc kiểm soát hàng hóa phía bạn chặt hơn trước nên hàng ngày chỉ có thể làm thủ tục cho khoảng 200 xe thông quan. Trong khi đó, thanh long đang vào chính vụ nên hàng ngày có tới 300 - 400 xe (gần gấp đôi thời gian trước) chở thanh long lên cửa khẩu.

Không chỉ mặt hàng thanh long, một điều dễ nhận thấy là thời gian gần đây, hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, sắn (củ mì), mít, dưa, khoai lang, mực xà khô, tôm hùm… bị rớt giá sâu, không tìm được đầu ra vì Trung Quốc thay đổi chính sách, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.

Các nhà quản lý liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, trước đó, từ ngày 1/4/2018 Trung Quốc áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu và từ 1/5/2018, Trung Quốc bắt buộc tất cả lô hàng trái cây nhập khẩu vào nước này phải đóng gói, có đầy đủ các thông tin để truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, rau quả từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật. Trong đó yêu cầu phải có đầy đủ thông tin: Tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.

Thực ra quy định của Trung Quốc không phải là mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trước đây Trung Quốc thực hiện chưa nghiêm hoặc bỏ qua khâu này. Hiện nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn.

Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, mặt hàng thanh long chủ yếu xuất khẩu qua biên mậu, vấn đề an toàn thực phẩm trước đây chưa được phía bạn chú ý nhiều. Vì vậy mà thanh long VietGAP giá bán cũng như thanh long thường, thanh long không VietGAP, nhưng trong hiện tại và tương lai thị trường Trung Quốc sẽ không còn “dễ tính” như trước đây. Mặt khác thực hiện chương trình “chấn hưng nông nghiệp”, Trung Quốc đã đầu tư một số vùng như đảo Hải Nam và vài tỉnh phía nam Trung Quốc đầu tư trồng thanh long với diện tích đã lên đến 32.000 ha, và tới đây sẽ mở thêm diện tích ở các khu vực khác để tiến tới 68.000 ha, gần gấp đôi diện tích thanh long Việt Nam. Với việc tăng nhanh diện tích trồng thanh long của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường này, nơi chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố thị trường và phi thị trường. Trong đó rào cản kỹ thuật như quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và chất lượng đang là vấn đề lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu; nhất là thị trường Trung Quốc vốn trước đây được xem là “dễ tính” thì nay đã được “xiết lại” đáng kể ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản.

Sự kiện ùn ứ thanh long tại cửa khẩu Lào Cai là lời cảnh tỉnh cần thiết. Mặc dù sẽ gặp một số khó khăn ban đầu, nhưng các hàng rào kỹ thuật của các nước có nhu cầu nhập khẩu trái cây, trong đó có Trung Quốc bắt buộc nông dân Việt Nam phải nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cả nông dân, doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý cần phải thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra của mình. Cần phải quy hoạch vùng trồng trái cây, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản.

 Đối với trái thanh long, Bình Thuận hiện có diện tích sản xuất thanh long sạch (VietGAP) chỉ chiếm 1/3 trong số gần 30.000 ha. Vì vậy cần phải thay đổi cách thức sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, hạn chế mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư tăng chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú ý thực hành quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay để giảm bớt rủi ro và bị động. Mặt khác các nhà quản lý cần khuyến nghị người sản xuất chong đèn để rải vụ, tránh sản lượng dồn ứ cùng một thời điểm, dẫn đến hàng hóa ứ đọng tại cửa khẩu như những ngày vừa qua, vừa làm giảm chất lượng trái thanh long vừa bị ép cấp, ép giá khi bán sang thị trường Trung Quốc.

T.N