Tháo gỡ “điểm nghẽn” kinh tế hợp tác

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:41, 09/08/2019

BT- Bình Thuận hiện có 5.172 tổ hợp tác, thu hút trên 165,67 ngàn thành viên; 183 hợp tác xã (HTX) với trên 47,89 ngàn thành viên, tổng vốn hoạt động 2.472 tỷ đồng, doanh thu bình quân 11,747 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 241,56 triệu đồng/HTX. Nếu so với năm 2003, số lượng HTX tăng 22,8%; vốn tăng 25 lần, doanh thu tăng 8 lần và lãi tăng 9 lần.  Điều đó cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế, dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng kinh tế hợp tác đang dần tạo dựng cho mình một thế đứng vững vàng hơn.

Tuy nhiên, dù có một số tiến bộ, nhất là từ khi có Luật HTX năm 2012 nhưng nhìn chung phần lớn kinh tế tập thể còn bộc lộ nhiều yếu kém chưa khắc phục có hiệu quả; mô hình HTX kiểu mới chưa nhiều. Các mô hình HTX, liên minh HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị quá ít. Hiện toàn tỉnh chỉ có 2 HTX hoạt động theo mô hình này là HTX Công Thành (Đức Linh) liên kết sản xuất, bao tiêu lúa nếp với diện tích 1.500 ha và HTX Hải sản Mũi Né (Phan Thiết) liên kết một số nông dân sản xuất nước mắm truyền thống, tiêu thụ sản phẩm hải sản.

Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn góp thành viên là vốn danh nghĩa; việc huy động tăng thêm vốn rất khó khăn; năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả thấp; việc phân phối lợi nhuận cũng như dịch vụ mà HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Đối với tổ hợp tác thì chưa có kế hoạch, phương án hoạt động cụ thể nên thường bị động trong thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa phần các tổ hợp tác còn đơn điệu, việc mở rộng thêm các mô hình sản xuất - kinh doanh còn hạn chế.

Phải khẳng định rằng, những nước nông nghiệp như Việt Nam, thì HTX nông nghiệp là hình thức kinh tế tập thể nông dân, có tác động to lớn, tích cực đến hoạt động sản xuất của hộ nông dân. Nhờ có hoạt động của HTX các yếu tố đầu vào và các khâu dịch vụ cho hoạt động sản xuất được cung cấp kịp thời đầy đủ, đảm bảo chất lượng, các khâu sản xuất tiếp theo được đảm bảo, làm cho hiệu quả sản xuất của hộ nông dân được nâng lên.  Thông qua hoạt động dịch vụ vai trò điều tiết của HTX nông nghiệp được thực hiện, sản xuất của hộ nông dân được thực hiện theo hướng tập trung, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa như dịch vụ làm đất, tưới nước, bảo vệ thực vật… Đồng thời,  HTX là nơi tiếp nhận những trợ giúp của Nhà nước tới hộ nông dân.

Vì vậy, phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng của các HTX hiện có. Rà soát, tập trung xử lý dứt điểm những HTX yếu kém, ngưng hoạt động và HTX tổ chức, hoạt động không theo Luật HTX năm 2012. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mới, bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường; huy động vốn để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; tổ chức cho kinh tế tập thể tham gia vào chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như thanh long, lúa, mủ trôm, hải sản…

Theo kế hoạch, đến năm 2020, cả nước xây dựng 15 ngàn HTX nông nghiệp hiệu quả. Bình Thuận đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 50 HTX trong đó có 70% hoạt động hiệu quả và đến năm 2030 có 100% HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012, không còn HTX tồn tại hình thức. Để đạt mục tiêu đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế đều phải cùng bắt tay vào triển khai. Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển hợp tác xã theo Luật HTX trong bộ máy quản lý nhà nước và toàn xã hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển HTX nông nghiệp có hiệu quả trong thời gian tới. Đi đôi với tuyên truyền nâng cao nhận thức, cần có chính sách tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách ưu đãi về thuế; ưu tiên bố trí vốn cho Quỹ phát triển hợp tác xã; chính sách ưu tiên về đất đai, tài sản và tiếp cận tín dụng… nhằm giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho HTX phát triển.

THẾ NAM