Hướng đến một chính quyền điện tử
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:09, 19/02/2020
Phải khẳng định rằng, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước phục vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã triển khai khá tốt các phần mềm ứng dụng. Điều đáng nói là hạ tầng kỹ thuật của tỉnh ngày càng phát triển theo xu hướng chung của cả nước như mạng internet băng rộng (ADSL) của các nhà cung cấp dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh đã triển khai cung cấp dịch vụ đến 10/10 trung tâm huyện, thị xã, thành phố, hơn 97 xã, phường có đường truyền ADSL đến trung tâm xã. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Bưu điện Trung ương xây dựng cũng được đưa vào sử dụng làm mạng diện rộng (mạng WAN) của UBND tỉnh (thay thế mạng MegaWan) nhằm triển khai các ứng dụng dùng chung, hội nghị truyền hình, truyền dữ liệu, các ứng dụng chuyên ngành, kết nối mạng riêng ảo (VPN- Virtual Private Network), góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt, kịp thời, an ninh, an toàn thông tin từ cấp tỉnh đến các sở, ngành và địa phương. Các sở, ngành và địa phương còn triển khai sử dụng hộp thư điện tử công vụ thống nhất trong toàn tỉnh, theo đó 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, khoảng 90% cán bộ công chức cấp huyện được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh đã triển khai đến xã, phường, thị trấn và truy cập vào hệ thống qua mạng internet.
Ứng dụng phần mềm “Một cửa điện tử” bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc, từng bước tạo sự đổi mới về phương thức, phong cách, lề lối làm việc ở cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Với các chức năng phần mềm đã giúp cán bộ, công chức dễ dàng tra cứu, theo dõi quá trình luân chuyển hồ sơ và tạo điều kiện cho việc thống kê, báo cáo. Điều đáng nói ở đây là tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình nhằm phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa các cơ quan trong tỉnh và xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu đóng vai trò là trung tâm lưu trữ được cài đặt các ứng dụng dùng chung trong các hoạt động của cơ quan nhà nước. Mặt khác, một số ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành ngày càng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng có hiệu quả như phần mềm quản lý các đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, phần mềm quản lý thông tin tài liệu lưu trữ, phần mềm báo cáo thống kê ngành y tế, phần mềm quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách, ứng dụng GIS phục vụ quản lý và quảng bá du lịch, phần mềm quản lý đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Để sớm hoàn thành một chính quyền điện tử ở tỉnh Bình Thuận trong tương lai gần, trước hết cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đến tất cả các xã, phường, thị trấn đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đủ mọi yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phải ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Tập trung thực hiện công tác xây dựng phát triển và đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, bảo đảm các cơ quan, đơn vị từ cấp xã trở lên đều có đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo và có trình độ chuyên nghiệp về công nghệ thông tin. Đảm bảo hệ thống mạng diện rộng, mạng nội bộ, mạng internet hoạt động thông suốt, ổn định. Tiếp tục nâng cấp và ứng dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, tiếp tục nghiên cứu triển khai các ứng dụng, phần mềm áp dụng trong các cơ quan, đơn vị nhằm đổi mới phong cách, lề lối làm việc, giảm giấy tờ, tăng cường việc trao đổi văn bản điện tử, xử lý thông tin qua mạng. Tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử để gắn kết các ứng dụng đã được triển khai. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để tập hợp cơ sở dữ liệu hiện có và phát triển hoàn chỉnh theo “Kiến trúc chính quyền điện tử”…
Thanh quang