Quản lý lao động nước ngoài trong đại dịch

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:15, 14/09/2020

BT- Đại dịch toàn cầu Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đến nay toàn thế giới đã có trên 28 triệu người nhiễm bệnh và gần 1 triệu người tử vong. Khi đại dịch bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng những tháng vừa qua được xem là hồi chuông cảnh báo về công tác kiểm soát, quản lý nguồn lây nhiễm mà nguy cơ cao đến từ đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có người nước ngoài tiếp tục trở lại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng để làm việc, đã đặt ra cho lãnh đạo các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, phù hợp để quản lý lao động nước ngoài trong đại dịch.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt nam, lực lượng lao động nước ngoài tham gia thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Ngoài số lao động nước ngoài làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, thì lực lượng lao động tham gia lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch... ngày càng tăng.

Tại Bình Thuận, số lao động nước ngoài trong những năm qua cũng tăng lên đáng kể, hầu hết đã được cấp giấy phép lao động theo đúng quy định của pháp luật; các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chấp hành tốt quy định của pháp luật, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua số lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh, nhất là số chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm, lao động kỹ thuật tay nghề cao, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế… là cơ hội để lao động của tỉnh có điều kiện tiếp cận, học hỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề và thay đổi tư duy, tác phong làm việc. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có một số lao động nước ngoài là lao động phổ thông, không có bằng cấp chuyên môn nhưng được xác nhận là chuyên gia của doanh nghiệp nước ngoài đã làm ảnh hưởng đến chất lượng lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh và mất cơ hội việc làm của lao động địa phương. Một số doanh nghiệp, nhà thầu và lao động nước ngoài không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề lưu trú… Hiện nay, khi đại dịch bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng trong những tháng vừa qua được xem là hồi chuông cảnh báo về công tác kiểm soát, quản lý nguồn lây nhiễm mà nguy cơ cao đến từ đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có người nước ngoài tiếp tục trở lại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng để làm việc, đã đặt ra cho lãnh đạo các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, phù hợp để quản lý lao động nước ngoài trong đại dịch. Do vậy, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19; toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng những giải pháp hết sức cụ thể. Trong nhiều giải pháp, điều bắt buộc là phải tăng cường quản lý lao động nước ngoài không chỉ bằng các quy định của pháp luật mà còn phải quản lý, tầm soát các bệnh lý, bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là xét nghiệm Covid-19, thực hiện cách ly theo quy định, xét nghiệm sau cách ly… đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam lao động, công tác, có như vậy mới đảm bảo kiểm soát và kiềm chế được đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

HUY TOÀN