Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bình Thuận chú trọng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 16:10, 13/02/2017
Mô hình tưới tiết kiệm nước được nhiều nông dân xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong áp dụng |
Tưới phun sương tiết kiệm nước |
Sớm vượt chỉ tiêu về tổng sản lượng lúa
Năm 2016, trong điều kiện khó khăn về nguồn nước song ngành nông nghiệp đã tổ chức sản xuất có hiệu quả, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 780.000 tấn, vượt 230.000 tấn so với kế hoạch (kế hoạch đến năm 2020 là 550.000 tấn). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa để sử dụng nguồn nước tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng đất cũng được ngành nông nghiệp tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả. Bình Thuận đã chuyển đổi hơn 6.100 ha đồng thời ứng dụng công nghệ tưới phun cục bộ và tưới nhỏ giọt cho trên 9.900 ha cây trồng cạn để tiết kiệm nước trong điều kiện nắng hạn kéo dài. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 58 cơ sở chăn nuôi tập trung cùng với 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai.
Tái cơ cấu gắn liền với xây dựng nông thôn mới
Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó trọng tâm là áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ được Bình Thuận triển khai gắn với chuỗi giá trị sản xuất, hợp tác xã kiểu mới và nông thôn mới để ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân. Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay Quốc hội cũng như Trung ương đang có chính sách tích tụ ruộng đất, đây là cơ hội để nông dân làm giàu. Nông dân có thể góp đất lại cùng với doanh nghiệp đầu tư vốn vào để sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Chúng tôi cố gắng trong năm 2017 sẽ thành lập 1 số mô hình công nghệ cao, mời doanh nghiệp tham gia và rất mong nông dân đồng hành cùng chúng tôi”.
Minh Chương