Vì sao đầu năm giảm sâu số người tham gia BHYT?
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 10:34, 27/02/2018
Phát triển đại lý thu BHXH, BHYT – giải pháp tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT. |
Thực tế này cho thấy, việc tham gia BHYT của các nhóm đối tượng đã bộc lộ sự thiếu bền vững, nếu không kịp thời có giải pháp tích cực sẽ rất khó khăn trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, mà trước mắt là chỉ tiêu bao phủ BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2018 là 81% dân số. Nguyên nhân của việc sụt giảm số người tham gia BHYT là trong năm 2017, tại các địa phương, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tuy có tăng lên, nhất là vào những tháng cuối năm, nhưng số người tham gia BHYT thời hạn 3 tháng, 6 tháng khá lớn, tập trung ở người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh và tham gia BHYT theo hộ gia đình, khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng chưa tham gia lại (người thuộc hộ gia đình cận nghèo giảm 18.700 người, học sinh, sinh viên giảm 12.000 người tham gia BHYT). Mặc khác, cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương đang được đẩy mạnh, hằng năm số hộ gia đình thoát nghèo khá lớn, không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đóng BHYT (năm 2017 giảm so năm 2016 gần 12 ngàn người, tháng 1/2018 giảm so năm 2017 trên 9.500 người tham gia BHYT).
Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh điều kiện kinh tế gia đình còn eo hẹp, thì vẫn còn nhiều người chưa nhận thấy được lợi ích của BHYT mang lại nên còn thờ ơ, do dự, chưa tham gia BHYT. Vậy nên, việc duy trì và giữ vững tỷ lệ tham gia BHYT, đồng thời phát triển tăng số người tham gia BHYT mới được xem là một nhiệm vụ khó khăn hiện nay và trong thời gian tới. Các địa phương cần quan tâm đến hạn sử dụng thẻ BHYT của từng người dân, nhất là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình) để kịp thời có kế hoạch vận động, hỗ trợ mức đóng để người dân tiếp tục tham gia BHYT, được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT liên tục theo quy định. Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện đồng thời việc duy trì số người đang tham gia BHYT tiếp tục tham gia khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng và phát triển thêm số người tham gia BHYT mới. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương đang có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu này như Bắc Bình, Tuy phong, La Gi, Phan Thiết...
Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần được tăng cường đẩy mạnh, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể, phù hợp với từng địa phương, trong đó chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, đặc biệt là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ tuyến cơ sở để tạo niềm tin và thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT. Đồng thời nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT đến tận người dân. Trong đó, lưu ý một số quy định của chính sách BHYT mà người dân cần quan tâm là: Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và người tham gia BHYT theo hộ gia đình nếu tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT; người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
Về quyền lợi, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Quy định thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng. Vì vậy, người dân cần tham gia BHYT liên tục để được đảm bảo về quyền lợi BHYT theo quy định.
PHƯƠNG ĐÔNG