Từ 1/12/2018: Người tham gia BHYT có thêm nhiều quyền lợi

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 14:09, 26/03/2019

BTO- Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị định này có nhiều điểm mới về bổ sung đối tượng tham gia BHYT; mở rộng và chia sẻ quyền lợi cho người tham gia BHYT. Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh xung quanh những điểm mới này.

Nghị định 146/2018/NĐ-CP, bổ sung thêm đối tượng nào tham gia Bảo hiểm y tế, thưa ông?

 Nhóm tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước đóng bổ sung thêm một số đối tượng như: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975; người được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

 

Nhóm tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước đóng bổ sung thêm đối tượng: Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều.

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình được bổ sung một số đối tượng, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; một số đối tượng sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định 146 mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.

Nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng, như: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng. Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng. Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng.

Ông nói rõ hơn việc tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT được quy định như thế nào?    

Đối với việc tham gia BHYT hộ gia đình, Nghị định đã điều chỉnh: Không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Quy định này thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng BHYT.

Quyền lợi của người tham gia BHYT được Chính phủ điều chỉnh như thế nào kể từ ngày 1/12/2018?

Quyền lợi BHYT được điều chỉnh có lợi cho người tham gia như: Trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định. Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp: Cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh.

 Về quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT hoặc khám, chữa bệnh không đúng thủ tục thì được thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám, chữa bệnh thay vì quy định số tiền cụ thể như hiện nay. Nghị định 146 cũng quy định các trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. Để được hưởng đúng, đủ quyền lợi BHYT, người tham gia BHYT cần đi khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ.

Ông nói cụ thể hơn những quy định mới về mức hưởng của người tham gia BHYT?

Nghị định quy định 5 trường hợp được hỗ trợ 100% chi phí KCB bao gồm: Hỗ trợ 100% chi phí KCB với các đối tượng: Người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, trẻ em dưới 06 tuổi. Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã. Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (hiện nay lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng). Hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ khi tự đi KCB vượt tuyến). Đối với các trường hợp khác, mức hưởng BHYT chỉ từ 80 - 95%.

 Đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: trước đây quy định mức hưởng 100% có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật. Theo quy định mới mức hưởng vẫn là 100% nhưng không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.

Từ ngày 01/01/2018 đến nay trên thẻ BHYT không ghi thông tin về thời gian sử dụng thẻ khiến chủ thẻ không nắm bắt được hạn sử dụng, vậy có làm khó khăn cho người tham gia không?       

 Trước đây, nội dung “Thời hạn sử dụng: Từ … đến …” được in tại mặt trước của thẻ BHYT. Thông tin này khiến chủ thẻ dễ dàng nắm bắt thời hạn bắt đầu hiệu lực và vô hiệu của thẻ nhưng giới hạn thời gian sử dụng thẻ. Kể từ 2018, nội dung này chính thức bị loại bỏ. Từ 2018, mỗi người sẽ có một mã số định danh riêng ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách bảo hiểm trọn đời của người đó. Mã này được in dưới dòng chữ “Thẻ bảo hiểm y tế” trên thẻ.

Trong trường hợp thông tin cá nhân trên thẻ BHYT của chủ thẻ như: Họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ bị sai, chủ thẻ cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi mình đăng ký để được đổi thẻ miễn phí mà không cần khai báo thêm thông tin. Trường hợp sai với thẻ BHYT đã đủ thời hạn 5 năm liên tục, chủ thẻ cung cấp thêm thông tin về cơ quan đã tiến hành đăng ký BHYT trước đây. Cơ quan BHXH có trách nhiệm rà soát dữ liệu để cấp lại thẻ đúng cho người tham gia ngay trong ngày làm việc. Trường hợp thẻ BHYT bị mất, hỏng thì không phải đến nơi cấp thẻ BHYT trước đây để được cấp lại mà có thể liên hệ trực tiếp với BHXH cấp huyện nơi gần nhất, thuận tiện nhất (trong tỉnh), làm thủ tục hồ sơ theo quy định để được cấp lại thẻ BHYT.

Vậy việc quản lý quỹ BHYT có gì mới trong Nghị định 146, thưa ông?

Nghị định 146 quy định không giao quỹ KCB cho cơ sở có người đăng ký KCB ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây như hiện nay, nhằm đảm bảo tính chia sẻ của quỹ BHYT, phù hợp với việc KCB thông tuyến. Đồng thời, không gây áp lực cho cơ sở KCB có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Các trạm y tế xã cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tối đa không quá 20% quỹ KCB BHYT, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người bệnh…Bổ sung quy định về số tiền trích để lại cho người làm việc trên tàu đánh bắt xa bờ bằng 10% số thu BHYT tính trên số người làm việc trên tàu có tham gia BHYT; các cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến đại học được trích lại 5% quỹ khám, chữa bệnh BHYT để mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu.

 Xin cám ơn ông Đặng Minh Thông và ông Phạm Đình Cang.

LÊ THANH VÀ NGỌC THU (thực hiện)