Xã Sông Lũy (Bắc Bình): Vì sao người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt thấp?

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 10:02, 19/11/2019

BT- Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất. Nhưng dù có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và nâng dần chất lượng dịch vụ y tế cơ sở nhưng tại xã Sông Lũy (Bắc Bình), tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt rất thấp. Liệu có phải vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn hay còn nguyên nhân nào khác?
Người dân tới khám bệnh tại Trạm Y tế xã Sông Lũy.

 63% hộ dân tham gia bảo hiểm

Xã Sông Lũy nơi quần cư của nhiều đồng bào dân tộc khác nhau, như Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Chăm, K’ho… tập trung ở 6 thôn, với gần 2.000 hộ dân. Trong những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mức sống của người dân tăng lên. Toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo và 82 hộ cận nghèo. Tuy vậy để thay đổi nhận thức của người dân khám, chữa bệnh qua kênh BHYT còn là bài toán rất khó. “Tính đến cuối năm 2019, xã Sông Lũy đã đạt được 16 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có 4/5 tiêu chí hoàn thành theo đúng kế hoạch huyện giao năm 2019, riêng tiêu chí BHYT xã đành xin “nợ” đến năm 2020. Đến nay toàn xã mới có 63% hộ tham gia BHYT”. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Lê Thái Dũng phân trần.

Nguyên nhân được lãnh đạo địa phương chỉ ra đa số người dân là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn tâm lý chủ quan với bệnh tật, tự điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc theo phương pháp gia truyền và cho rằng thuốc BHYT chất lượng không tốt. Chưa kể nhiều hộ kinh tế khá giả họ thường vào thẳng bệnh viện tư nhân để khám, không muốn mất thời gian chuyển tuyến, lấy phiếu chờ đợi. Số khác thì không đủ khả năng kinh tế để tham gia BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình…

Bà Trương Thị Kim Thanh - Phó Trạm Y tế xã Sông Lũy cho biết: Trung bình mỗi tháng Trạm Y tế xã tiếp nhận 80 lượt người tới khám, chữa bệnh. So với các đơn vị thuộc tuyến xã trong tỉnh, đây là con số khá cao, điều này cho thấy trình độ đội ngũ thầy thuốc tuyến cơ sở ngày càng được nâng dần. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền đang dần được chính quyền, đoàn thể xã quan tâm. Không chỉ phổ biến trong các buổi họp thôn, chi hội, mà mỗi chiều hằng ngày, loa truyền thanh xã thường xuyên phát những nội dung liên quan đến chính sách BHYT, hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên.

 “Đi tận ngõ, gõ tận nhà”

“Từ 40% hộ dân tham gia BHYT vào năm 2017, đến cuối năm 2019 là 63% và đến năm 2020 ít nhất phải đạt mốc 85% hộ dân tham gia, đây là bài toán khó, nhưng không có nghĩa không có lời giải”, ông Dũng khẳng định.

Cụ thể, xã đã có kế hoạch trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT với tinh thần “đi tận ngõ, gõ tận nhà”. Trao đổi thông tin, tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn cho người dân về BHYT, đảm bảo mọi đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia. Minh chứng những trường hợp phải trả viện phí với số tiền lớn nhưng nhờ có thẻ BHYT đã được giảm trừ phần lớn, từ đó giúp người dân ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe, đau ốm nên đến trạm y tế thay vì tự chữa trị. Đối với những hộ khó khăn thì hướng dẫn mua gói 3 tháng, 6 tháng, kết hợp vận động mạnh thường quân hỗ trợ.

Để BHYT thực sự là “tấm lưới” đỡ họ vượt qua cơn ngặt nghèo, từ đó thay đổi nhận thức và tự nguyện tham gia. Mong rằng ngành y tế tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản phục vụ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh…

Thùy Linh