Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 10:21, 18/12/2019
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo. |
Để tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT tiếp cận, thụ hưởng các chính sách chăm sóc, nâng cao sức khỏe, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tốt hoạt động khám chữa bệnh (KCB), tư vấn phòng bệnh cho những đối tượng tham gia. Nhờ vậy, mỗi năm, hàng triệu lượt người có thẻ BHYT được KCB nội, ngoại trú từ tuyến xã đến tuyến Trung ương với tổng chi phí hàng trăm tỷ đồng. Năm 2018, BHXH tỉnh đã thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám, chữa BHYT cho hơn 2,2 triệu lượt người, chi phí hơn 964,2 tỷ đồng. Đến 30/11/2019, toàn tỉnh đã có hơn 2 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tổng chi phí hơn 642 tỷ đồng. Nhiều trường hợp ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, nan y như: Bệnh lý tim mạch, đặt stent động mạch vành, thay khớp háng bán phần, khớp háng toàn phần, suy thận mãn, ung thư... được thanh toán chi phí về phẫu thuật, vật tư y tế tiêu hao, điều trị hàng trăm triệu đồng. Ngoài việc người bệnh tham gia BHYT giảm được một phần đáng kể chi phí khi bị ốm đau, hệ thống cơ sở KCB còn được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao về năng lực chuyên môn, các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh chóng đưa vào áp dụng... đã hỗ trợ tích cực cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần làm giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 16,4% dân số chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về chính sách BHYT của một số chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân còn hạn chế; công tác quản lý đối tượng tham gia BHYT còn lỏng lẻo. Nhiều người chỉ tham gia BHYT khi biết mình đang có bệnh. Riêng đối với học sinh, sinh viên là đối tượng trong diện bắt buộc tham gia BHYT, nhưng số lượng tham gia còn hạn chế, năm học 2019- 2020 tham gia đạt 98%. Đặc biệt, đối tượng cận nghèo được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20%, còn 10% tự đóng (tương đương 84.000 đồng/người/năm) nhưng vẫn ít người tham gia BHYT, các địa phương phải hỗ trợ hoặc vận động các nhà hảo tâm đóng cho họ. Ngoài ra phải kể đến chất lượng chăm sóc y tế một số đơn vị chưa cao, thái độ phục vụ của nhiều cán bộ y tế chưa tốt... khiến cho việc phát triển đối tượng BHYT gặp không ít khó khăn.
Để phấn đấu thực hiện BHYT toàn dân, các cấp, ngành cần phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHYT, giúp đối tượng sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu rõ chính sách ưu việt này. Mục tiêu của việc thực hiện BHYT toàn dân là nhằm chia sẻ rủi ro, từ đó tự giác tham gia. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, nhất là trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ động rà soát, giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt việc giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT, góp phần giúp các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT mạnh dạn ứng dụng tiến bộ y học tiên tiến, đáp ứng sự hài lòng của đối tượng khi đi khám, chữa bệnh.
Minh Thông