Phát triển đối tượng BHYT hộ gia đình tăng, nhưng thiếu bền vững

Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 17:18, 07/01/2020

BTO- Thực hiện bao phủ BHYT toàn dân là mục tiêu được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện. Vì vậy, kết thúc năm 2019 toàn tỉnh đã có hơn 1.060.172 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 86,04% dân số, trong đó đối tượng hộ gia đình chiếm tỷ lệ khá lớn. Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Thuận là 90% dân số có thẻ BHYT. Đây là một khó khăn, thách thức không nhỏ. Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ BHXH tỉnh xung quanh về những kết quả và giải pháp thực hiện công tác phát triển đối tượng BHYT hộ gia đình.

 Thưa ông, toàn tỉnh đến nay có bao nhiêu người tham gia BHYT, so với dân số thì đạt tỷ lệ bao phủ bao nhiêu?

Tính đến ngày 27/12/2019, toàn tỉnh có 1.060.127/1.232.039 người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 86,04% dân số. Đến thời điểm này, có thể nói, Bình Thuận đã đạt tỷ lệ tham gia BHYT theo Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019.

 

 Được biết, trong năm 2019 toàn tỉnh khai thác và phát triển thêm gần 21 ngàn người tham gia BHYT, khai thác mới 318 đơn vị. Vậy, đối tượng hộ gia đình tham gia như thế nào?

Trong năm 2019 toàn tỉnh khai thác và phát triển thêm gần 21 ngàn người tham gia BHYT, khai thác mới 318 đơn vị. Trong đó đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT khoảng 20 ngàn người. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương và ngành BHXH trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, hộ gia đình cận nghèo tuy có tăng, nhưng vẫn khó khăn và thiếu bền vững. Vì sao?

 Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thời gian qua có tăng, nhưng cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm cộng đồng còn có những hạn chế. Nhiều người chỉ lựa chọn tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh nặng. Mặt khác, tại một số địa phương chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT...

Song song đó, một bộ phận người cận nghèo có tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn; thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT. Chất lượng KCB của cơ sở y tế trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT, sự quá tải, chờ đợi khi KCB… đã phần nào làm hạn chế trong tuyên truyền vận động người dân khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân BHYT còn nhiều bất cập đã tác động không nhỏ trong công tác tuyên truyền, đưa chính sách BHYT đến người dân. Một số nhân viên đại lý thu chưa tích cực trong công tác tuyên truyền, tư vấn đưa chính sách BHYT đến với người dân.

Nghị định 146 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 quy định mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình có gì mới so với trước? Mức hưởng của thành viên hộ gia đình được quy định như thế nào khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh?

Nghị định 146 của Chính phủ quy định mức đóng và mức hưởng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình không có nhiều thay đổi. Mức đóng BHYT của các thành viên thuộc hộ gia đình phụ thuộc vào mức lương cơ sở. Do đó, từ 1/7/2019, mức lương cơ sở tăng nên mức đóng BHYT hộ gia đình tăng lên tương ứng. Đồng thời, quyền lợi của người tham gia BHYT hộ gia đình cũng được mở rộng. Tuy nhiên, Nghị định 146 đã điều chỉnh: Không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Quy định này thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Cũng theo hướng dẫn của Nghị định 146, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

Ngoài ra, nếu người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh; Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở. Mặt khác, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ khi tự đi KCB vượt tuyến).

Được biết, năm 2020 Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Thuận đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90% dân số. Đây là chỉ tiêu khá cao, cần khai thác mạnh đối tượng hộ gia đình. Vậy, ngành BHXH có giải pháp gì?

Để đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH tỉnh Bình Thuận đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

- Tiếp tục tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các huyện, UBND các xã tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Chương trình hành động số 52-CTr/TU ngày 28/8/2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4381/KH-UBND ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Quyết định số1167/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xác định thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Phấn đấu năm 2020 có 90% dân số tham gia BHYT.

- Phối hợp chặt chẽ và phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cơ quan BHXH và chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là cơ quan truyền thông, báo, đài.

- Tiếp tục vận động từ các nguồn xã hội hóa, cân đối nguồn kinh phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương cho các nhóm đối tượng thuộc HGĐ cận nghèo.

- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới Đại lý thu BHXH, BHYT, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật BHYT, qua đó khai thác, phát triển, tăng mới số lượng người dân tham gia BHYT đảm bảo ổn định và bền vững.

- Tổ chức tốt việc KCB BHYT; tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng KCB BHYT tại các cơ sở y tế. Đẩy mạnh cải tiến thủ tục hành chính trong tổ chức KCB BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho người KCB BHYT được thụ hưởng tốt các dịch vụ y tế.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn biểu hiện lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT, nhằm đảm bảo cân đối việc thu, chi quỹ BHYT góp phần xây dựng tính bền vững của quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về quyền lợi và cách sử dụng BHYT; mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Xin cám ơn ông Phạm Đình Cang.

  LÊ THANH VÀ NGÔ TRÂM (thực hiện)