Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2021): Luôn đi đầu trong hoạt động nhân đạo
Xã hội - Ngày đăng : 10:56, 23/11/2021
Phát động nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Q Nhân |
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu ban vận động thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập hội, tôn chỉ mục đích và chương trình hành động. Bác khuyên phương hướng hoạt động của hội “phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất (tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) đã diễn ra tại đình làng Thanh Ấm. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội quần chúng, tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Hội hoạt động trên nguyên tắc “Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất”. 75 năm qua, từ chỗ chỉ tập trung hoạt động ở một vài thành phố lớn, trong một số lĩnh vực cụ thể (chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, chăm sóc thương bệnh binh, trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh), đến nay tổ chức hội đã có mặt ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, trong nhiều trường học, cơ quan, tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gắn bó với các đối tượng khác nhau ở các vùng miền, lĩnh vực hoạt động và hoàn cảnh khác nhau. Theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đến nay toàn Hội có trên trên 3,4 triệu hội viên; 383.000 tình nguyện viên hoạt động tại hơn 23.900 tổ chức hội cơ sở. Tổng giá trị công tác xã hội của toàn hội gần 2.000 tỷ đồng/ năm; số lượng người hưởng lợi trung bình hàng năm lên đến 11,5 triệu người. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn là thành viên tích cực của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trong các năm 2020-2021, tình hình thiên tai, dịch bệnh tại nước ta diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, nổi rõ nhất là lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và dịch Covid- 19 bùng phát. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Hàng nghìn chuyến xe chở hàng hóa cứu trợ, hàng nghìn tỷ đồng được vận động, quên góp để hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao. Nổi bật là công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đạt trên 536 tỷ đồng trợ giúp 415.000 địa chỉ nhân đạo. Công tác vận động hiến máu đạt 6,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 97,5%, tương đương 1,5% dân số. Công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa hỗ trợ 12,5 triệu lượt người với tổng trị giá 1.935 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 tổng giá trị hoạt động nhân đạo của các cấp hội đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Các phong trào lớn của Hội, như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam,” “Tháng Nhân đạo” cũng được triển khai linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh thông qua các mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả như chợ nhân đạo tại chỗ, lưu động; các chốt, điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân vùng dịch; ATM gạo miễn phí; túi hàng gia đình cấp phát tại nhà cho người dân khu vực bị phong tỏa; các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản…
Trải qua chặng đường 75 năm với những bước trưởng thành vượt bậc và cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất và 2 lần vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998 và 2011).
Nhằm hướng tới mục tiêu “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”, theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong giai đoạn tới, các cấp Hội sẽ tập trung tổ chức hiệu quả các mô hình, hoạt động nhân đạo; tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị nhân đạo; đề cao niềm tin và trách nhiệm giải trình; phát huy những giá trị cốt lõi của Hội Chữ thập đỏ: nhân đạo, vô tư, tự nguyện, chuyên nghiệp, minh bạch, thích ứng, hiệu quả; kiến tạo môi trường, truyền cảm hứng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện; phát triển mạnh mẽ lực lượng, đội hình tình nguyện viên; xây dựng, triển khai chuyển đổi số trong hệ thống hội để từng bước thích ứng và hội nhập công nghệ 4.0…
Trần Đình