Đức Linh: Lúng túng trong triển khai Nghị quyết 68
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 11/11/2021
Chủ cơ sở dịch vụ có được hỗ trợ?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Quyết định 2108 của UBND tỉnh: Người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú đang gặp khó khăn về kinh tế do bị mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên vì phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, UBND huyện Đức Linh trong quá trình thực hiện nghị quyết này, đã gặp không ít lúng túng.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, UBND huyện đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến đối tượng lao động, cụ thể: Nhóm đối tượng là chủ cơ sở làm dịch vụ đám cưới, dàn nhạc, quay phim, chụp hình, người dẫn chương trình, sân bóng chuyền, sân bóng đá mini không đăng ký giấy phép kinh doanh... Đây là những trường hợp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một số đối tượng khác là chủ phương tiện (ô tô 5 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ) hoạt động vận chuyển hành khách theo dạng tự do hoặc chạy dịch vụ, nhận chạy hợp đồng cưới, hỏi... vào các địa phương khác thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và tỉnh ta thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thì người lao động hoạt động tại dịch vụ này phải dừng hoạt động. Các trường hợp này có được xem xét hỗ trợ hay không?
Không những vậy, tại địa bàn Đức Linh và Tánh Linh những công dân bán hàng tạp hóa ở huyện vừa qua có đối tượng đi giao hàng cho các hàng tạp hóa bị F0, những người nhận hàng trở thành F1, hàng tạp hóa bị phong tỏa, đóng cửa, đối tượng là F1 phải tập trung cách ly tại khu cách ly 14 ngày và tự cách ly thêm 14 ngày nữa. Do đó, các hàng tạp hóa phải đóng cửa 28 ngày. Các đối tượng này ngoài việc hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly tập trung theo quy định tại khoản 7, Điều 1, Quyết định 1830, có được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 2108 của UBND tỉnh?
Đức Linh là huyện miền núi, nên lượng lao động địa phương đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các địa phương khác thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nay đang gặp rất khó khăn về kinh tế do phải ngừng, hoặc mất việc làm. Dù UBND huyện đã có văn bản xin ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những đối tượng này, nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời tại Công văn số 1971, ngày 16/9/2021 là “Những đối tượng này không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định 2108 của UBND tỉnh”. UBND huyện cũng đề nghị tỉnh xem xét lại vì khoản 2 Điều 1, Quyết định 2108 của UBND tỉnh có nêu rõ: “Người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú đang gặp khó khăn về kinh tế do bị mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên vì phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 và có đơn đề nghị”. Đồng thời trong Quyết định 2108 cũng không quy định người lao động phải làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mới được hỗ trợ .
Khó khăn đến đâu, giải quyết kịp thời đến đó!
Theo thống kê của UBND huyện, về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 1.448 người, với số tiền 2,127 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ 970 người, số tiền 1,455 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2021 huyện đã chi trả tại huyện 133 người, số tiền 199,5 triệu đồng. Riêng việc cấp phát gạo UBND huyện đã kịp thời phân bổ và cấp phát gạo cho người dân trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng theo quy định hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là 3.098 hộ/10.719 khẩu, tổng số gạo được cấp là 160.785 kg gạo, mỗi khẩu hỗ trợ 15 kg và thời gian hỗ trợ 1 tháng. Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy với tổng kinh phí đã hỗ trợ là 472 triệu đồng, trong đó hộ nghèo là 429 triệu đồng, người già đơn thân không nơi nương tựa là 43 triệu đồng.
Dù đã nỗ lực, nhưng trong quá trình thực hiện, tại huyện Đức Linh vẫn còn những bất cập, như tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ tại địa phương có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Ở cấp xã, việc rà soát, thống kê và hướng dẫn hồ sơ các đối tượng đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ban đầu còn lúng túng trong việc triển khai vấn đề này. Bên cạnh đó, chưa phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 tại cơ sở.
Bà Bố Thị Xuân Linh – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tại buổi làm việc với Đức Linh đã có những đề nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn đã nhấn mạnh: UBND huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ tại địa phương; hướng dẫn cấp xã rà soát, thống kê, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định, không để bỏ sót đối tượng thụ hưởng. Đối với các chính sách hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68, tuyên truyền người dân, người lao động, người sử dụng lao động nắm được đầy đủ thông tin về các chế độ hỗ trợ. Trong đó, mấu chốt là vấn đề thẩm định hồ sơ và lập danh sách đề nghị xét hỗ trợ cho các đối tượng đúng theo quy định, kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo với UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan kịp thời giải quyết.
Quang Nhân