Từ chuyện người tử vong vì Covid-19: Dân mong có nhà hỏa táng

Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 24/11/2021

Bài 2: Hỏa táng: Văn minh, vệ sinh và khoa học

BT- Dù chi phí mai táng địa táng cho người tử vong vì Covid-19 được tỉnh hỗ trợ toàn bộ, nhưng nhiều gia đình vẫn muốn người thân của mình được hỏa táng. Đây cũng là mong muốn chung của người dân trên địa bàn tỉnh vì hỏa táng: Văn minh, vệ sinh và khoa học.

Nhiều tỉnh, thành đang xây nhà hỏa táng, tỉnh ta hiện vẫn chưa có (ảnh Internet).

Những mong mỏi

Chọn cách hỏa táng khi chết đang ngày càng phổ biến vì hợp vệ sinh, bảo vệ được môi sinh, tiết kiệm quỹ đất, lại giảm bớt được rất nhiều công đoạn như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời... Bà Nguyễn Thị Bé (72 tuổi), ở phường Lạc Đạo (TP.Phan Thiết) đã chọn cách này nếu như một ngày nào đó phải xa rời cõi tạm. Thời gian qua khi số ca nghi nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 ở khắp nơi tăng cao, bà luôn mong ước tỉnh mình có nhà hỏa táng. “Ở tỉnh mình chưa có nhà hỏa táng, nhiều nơi khác đã có như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...”, bà Bé trăn trở.

Không chỉ mong ước của người dân mà những người trực tiếp lo hậu sự cho người tử vong vì Covid-19 như CDC và đội mai táng hiện nay cũng mong tỉnh có được nhà hỏa táng. Vì có sẽ giảm tải áp lực công việc khi số người tử vong vì Covid-19 chưa dừng. Bởi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, hiện chỉ có thể kiểm soát bằng cách tiêm chủng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp. Thế giới cũng đã xác định sống chung với Covid-19 do chưa có thuốc đặc trị. Nhiều quốc gia đang dần cho phép người dân quay lại nhịp sống bình thường khi hoàn thành chương trình tiêm chủng vì họ nhận ra rằng chúng ta phải học cách sống chung với dịch.

Phó Khoa sức khỏe môi trường CDC Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ: Khi dịch Covid-19 xảy ra và có ca tử vong, mới thấy tầm quan trọng của việc có nhà hỏa táng. Từng xảy ra tình trạng các cơ sở mai táng trong tỉnh từ chối mai táng người tử vong vì Covid-19, và chúng tôi phải đi liên hệ mới có một cơ sở mai táng chịu nhận.

 Cần xây nhà hỏa táng

Cả nước vừa tưởng niệm 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ mất vì Covid-19, trong đó có cả những người dân Bình Thuận. Con số ấy chưa phải là chấm dứt khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Cùng với những người tử vong vì tai nạn, bệnh tật khác thì nhu cầu địa táng ngày càng khó khăn hơn. Việc quy hoạch mở rộng các nghĩa trang gặp khó do thiếu quỹ đất. Nhiều người đang sống đã lo chuyện chết: Mua đất, xây bao bờ tường. Có người lợi dụng đất vườn, đất rừng, tự ý biến thành nghĩa trang.

Với tình hình ấy, xây nhà hỏa táng là phương pháp khả thi nhất để giải quyết vấn đề. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã và đang quy hoạch nghĩa trang thành những công viên để bảo vệ môi trường và xây nhà hỏa táng. Trong đó, có cách làm hay là kết hợp giữa chính quyền địa phương và giáo hội, vận động thêm sự đóng góp của người dân xây nhà hỏa táng.

Bình Thuận là một trong những tỉnh đang hướng đến phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường cần sớm xây nhà hỏa táng. Lãnh đạo  Sở Y tế tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh quan tâm vấn đề này. Bởi đây là nhu cầu chính đáng của người dân, phù hợp với tình hình thực tế”. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Công văn số 1328 của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng. 

“Tỉnh Bình Thuận cần phải có nhà hỏa táng để xử lý thi hài về lâu về dài, nhất là hiện nay phục vụ người tử vong vì Covid-19 - loại dịch bệnh mà chúng ta xác định sống chung với nó”, ông Hùng nói.

Mục tiêu của Chính phủ tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng: Từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức mai táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường.

Ninh Chinh