Đa Mi xanh giữa mùa dịch

Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 07/12/2021

BT- Vốn đã xanh nhưng Đa Mi vẫn luôn xanh giữa đại dịch Covid-19. Ai đã tạo nên điều kỳ diệu ấy? không ai ngoài thiên nhiên và bàn tay, khối óc của con người.
Một góc Đa Mi giữa mùa dịch.

 Vùng xanh

Vượt đèo Đông Giang qua xã La Dạ là đến đất Đa Mi. Men theo QL 55 thêm hơn 20 km đường đèo nữa đến UBND xã. Trên chặng đường này không còn chốt kiểm soát dịch như hồi tháng 6, tháng 7 “hừng hực” khi dịch bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh rồi lan qua nhiều tỉnh, thành. Cuộc sống bình thường mới theo tinh thần Quyết định số 2970 của UBND tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hôm nay đang trải dài 4 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và Đa Mi của Hàm Thuận Bắc.

Đa Mi có tổng diện tích tự nhiên 14.538 ha, trong đó diện tích rừng 9.715 ha. Xã bao gồm 4 thôn: Đaguri, La Dày, Đa Kim, Đa Tro. Đây là một trong những vùng đất giáp cao nguyên Lâm Đồng đẹp nhất của tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có nhiều thác nước hùng vĩ nằm sâu trong rừng xanh như thác 3 tầng, thác 9 tầng, thác Sương Mù, thác Tazun, thác Đaguri. Ngoài ra còn có 2 hồ nước lớn được hình thành từ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi vào những thập niên 90. Hồ Hàm Thuận với diện tích 2.500 ha nằm trên sông La Ngà, một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai. Giữa hồ có 8 đảo lớn nhỏ, đủ hình dạng đan xen, cây cối phủ xanh mướt như những hòn non bộ khổng lồ. Khác với hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi rộng 700 ha, mặt hồ phẳng lặng như tấm gương màu ngọc bích giữa những dãy núi hùng vĩ nên thơ.

Với cảnh quan đẹp, khí hậu ấm áp, mát dịu đã thu hút không chỉ các nhà đầu tư du lịch sinh thái mà còn là điểm đến của người dân khắp nơi về đây lập nghiệp. Chủ tịch UBND xã Đa Mi Nguyễn Anh Toàn chia sẻ: “Gần như trên đất nước mình có bao nhiêu tỉnh, thành thì có bấy nhiêu người đại diện cho các tỉnh, thành đó lập nghiệp ở đây. Đến nay toàn xã có khoảng 1.300 hộ/4.300 khẩu”. Bằng bàn tay khối óc của họ đã tạo nên những “đồn điền” cây công nghiệp như cà phê, sầu riêng, bơ. Cùng với gam màu xanh thẳm của núi rừng, tạo nên một Đa Mi không thể lẫn vào đâu trên đất Bình Thuận.

 Xanh suốt mùa dịch

Đa Mi cũng rất dễ “tổn thương” vì Covid-19, bởi có diện tích tự nhiên lớn, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, dân cư phân bố thưa thớt. Đa Mi có 22 km QL55 liên tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng chạy ngang. Đây là cửa ngõ đến và đi giữa 2 tỉnh, nên rất nhiều hàng quán phục vụ khách qua đường, phượt thủ đến vãng cảnh. Có thân nhân của người địa phương ở  các tỉnh, thành đến thăm bà con họ hàng. Có thương lái đến thu mua nông sản và làm thuê cho các nhà vườn, nhất là vào mùa thu hoạch. Có nhiều dân tộc, thành phần, tôn giáo sinh hoạt, lao động, học tập trên địa bàn.

Ông Khương Cao Phụng - Trưởng thôn La Dày hướng tầm mắt về đồi cà phê chín phía trước nhà mình nói: “Toàn thôn có 244 hộ/1.100 khẩu, phần lớn là giáo dân, canh tác cây công nghiệp như cà phê. Do diện tích canh tác lớn, nên đến mùa thu hoạch nhu cầu cần nhân công rất lớn. Hiện ở đây đang vào mùa cà phê chín, nhiều gia đình cần thuê người  để thu hoạch”. Điều này khiến cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trở nên khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ đầu mùa dịch đến nay Đa Mi chỉ có 3 ca nghi nhiễm; trong đó 1 người 82 tuổi đã tử vong vì Covid-19 chưa rõ nguồn lây.

Theo các văn bản đánh giá mức độ dịch trên địa bàn Hàm Thuận Bắc thời gian qua, Đa Mi - luôn là vùng xanh. “Ở đây người dân phòng chống Covid-19 tốt lắm!. Người dân tự giám sát nhau, ví dụ nhà mình có người thân ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đến chơi hoặc con học tập ở TP. Hồ Chí Minh trở về, phải đến trạm y tế xã khai báo y tế trước khi về nhà. Những gia đình có người nghi nhiễm cách ly tại nhà phải ở yên trong nhà, nếu không hàng xóm sẽ báo chính quyền địa phương”, bà Vũ Hương (50 tuổi) ở thôn La Dày cho biết. Bà không phải người duy nhất kể tôi nghe chuyện cuộc sống thời dịch bệnh ở đây mà còn nhiều người dân ở thôn Đa Kim cũng chia sẻ với tôi như vậy. Các thôn này nằm sâu trong rừng, người dân giao thương với thế giới bên ngoài bằng con đường đập Đa Mi độc đạo.

Theo đồng hồ trên xe môtô, từ trung tâm xã đến Đa Kim gần 30 km, tính cả đoạn đầu thôn vừa được thảm bê tông. Những năm trước vào mùa mưa đoạn đường này không ai có thể chạy xe môtô, ngoại trừ người dân địa phương quen đi. Dù vậy mới đây cũng có người bị té vì leo dốc cao, nước mưa chảy xối xả. “Mùa mưa đi tiếp cận F0, F1 khổ lắm!”, anh Lê Trúc Vương – Trưởng Công an xã Đa Mi nói và dẫn chứng 2 thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của xã đi đến nhà F1 bị ngã sau khi chốt kiểm soát dịch Lộc Nam của tỉnh Lâm Đồng thông báo có 1 tài xế chở nông sản từ Đa Mi tới chốt dương tính với Covid-19. Khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã tức tốc lên đường vào thôn Đa Kim. Lúc ấy trời mưa to, đường khó đi, anh em phải mượn xe của bà con đi rừng vào tận nhà người có tiếp xúc với tài xế để xét nghiệm nhanh. Xét nghiệm xong phía Lộc Nam thông báo lại, xét nghiệm PCR thì tài xế này âm tính. Đúng là tình cảnh dở khóc dở cười, anh Vương lắc đầu cười nói.

Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong phòng chống dịch, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Đa Mi với phương châm, sớm phát hiện dịch và dập ngay. “Về cơ bản chúng tôi thực hiện theo sự chỉ đạo của huyện cũng như của tỉnh. Trong quá trình triển khai, chúng tôi giám sát kỹ ở địa bàn thôn, xóm để phòng dịch. 1.300 hộ dân trên địa bàn xã, phải khai báo rõ số người đi học, làm việc ở ngoài địa phương và khi trở về phải test nhanh tại Trạm Y tế xã trước khi về nhà. Hộ nào có người nghi nhiễm cách ly phải chịu sự giám sát của ban phòng chống Covid-19 xã, thôn và cả những người hàng xóm”, ông Toàn cho biết.

Với cách quản lý chặt chẽ và ý thức phòng dịch cao, nên Đa Mi vốn đã xanh và luôn xanh suốt mùa dịch.

Ghi chép: NINH CHINH