Vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025: Bố trí tập trung và có trọng tâm, trọng điểm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 09/11/2021

BT- Tại Bình Thuận, tổng kế hoạch vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là 9.593 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư trong cân đối 2.709 tỷ đồng, đầu tư từ tiền sử dụng đất 3.514 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết 3.370 tỷ đồng. Dù vậy ở giai đoạn này, thực tế tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh đã phân bổ là 11.061 tỷ đồng, đạt 115,3% kế hoạch vốn so với nghị quyết giao. Trong đó tăng chủ yếu là nguồn đầu tư từ tiền sử dụng đất (đã phân bổ 4.839 tỷ đồng, tăng 1.325 tỷ đồng) và vốn xổ số kiến thiết (phân bổ 3.706 tỷ đồng, tăng 336 tỷ đồng).
Một công trình được thực hiện trong năm 2021 từ vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Hàm Tân.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, vốn đầu tư công được tập trung bố trí để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm hoặc bức xúc tại Bình Thuận. Nhất là với những dự án thuộc lĩnh vực giao thông, kè biển, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, sắp xếp khu dân cư vùng sạt lở, y tế, giáo dục… Ngoài ra cũng ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn xã miền núi, hải đảo và giải quyết một số vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị. Đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương thì việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên cho các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án chuyển tiếp và dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt xấp xỉ 10.800 tỷ đồng (bằng 97,6% kế hoạch vốn), một phần số vốn còn lại tiếp tục giải ngân trong năm 2021.            

Từ tình hình và kết quả thực hiện nêu trên, địa phương đã rút ra một số kinh nghiệm cần lưu ý, qua đó hướng đến lập kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Đó là cần tăng cường thu ngân sách nhằm đảm bảo chi đầu tư phát triển, chuẩn bị đầy đủ, chất lượng về hồ sơ dự án đầu tư để đủ điều kiện bố trí và phân bổ kịp thời vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong khi đó với trường hợp dự kiến khởi công mới phải chủ động chuẩn bị công tác hồ sơ dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu và phối hợp tốt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án. Việc bố trí kế hoạch vốn hàng năm cũng cần sát tình hình thực tế, phù hợp khả năng thực hiện, giải ngân của công trình, thường xuyên rà soát tiến độ nhằm đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, không kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau.

Hướng tới giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối các nguồn vốn nên Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đề xuất tổng số vốn đầu tư công là gần 13.788 tỷ đồng. Con số này tăng 1.474,5 tỷ đồng so vốn giao của Thủ tướng Chính phủ và tăng 489,4 tỷ đồng so vốn được HĐND tỉnh dự kiến giao. Trong đó riêng đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất tăng 1.465 tỷ đồng so quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao để đảm bảo cân đối vốn thực hiện các công trình trọng điểm. Đối với đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước tăng hơn 9,5 tỷ đồng so quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao từ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc qua địa bàn Bình Thuận. Còn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (5.500 tỷ đồng) và đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (511,5 tỷ đồng) thì bằng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc phân bổ vốn đầu tư công trong giai đoạn mới tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên, theo đó sẽ bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài. Đồng thời phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị. Nhất là tập trung ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành phát huy hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng hay chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đ.QUỐC