Kinh tế nông nghiệp: Chủ trang trại không quan tâm vốn vay ưu đãi?
Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 03/03/2017
BT- 5 năm trước, để hình thành trang trại chăn nuôi tại Bắc Bình, anh Nguyễn Mai ở Phú Trinh, TP. Phan Thiết đã thế chấp nhiều tài sản từ nhà ở, sổ đất trang trại tại ngân hàng để có tiền trang trải. Bây giờ, tại trang trại của anh, dê, bò đều đã hình thành đàn lớn với số lượng ngàn con. Nếu theo tiêu chí của một trang trại chăn nuôi với giá trị sản lượng hàng hóa hàng năm theo yêu cầu phải đạt 1 tỷ đồng thì trang trại của anh đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi. Nhưng anh không quan tâm, dù biết giấy chứng nhận ấy là một tiêu chí quan trọng để được vay vốn ưu đãi, nhất là gần đây có nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, cho vay dưới hình thức tín chấp đều có nhắc đến đối tượng là chủ trang trại. Như theo Nghị định 68 cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch, chủ trang trại được vay tín chấp với mức tối đa 1 tỷ đồng hay gói cho vay nông nghiệp sạch cũng được vay tín chấp với mức vay tối đa tương tự, lãi suất thấp.
Ban đầu háo hức nhưng sau khi tìm hiểu các điều kiện vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nghe ngóng những chủ trang trại khác đi vay vốn không thành, anh biết chắc mình cũng nằm trong số đó. Vì dù là vay tín chấp nhưng sổ đỏ trang trại vẫn phải đưa ngân hàng giữ, trong khi giấy CNQSDĐ của anh đang nằm tại một ngân hàng khác. Đây là một trong nhiều lý do khiến toàn huyện Bắc Bình có 158 mô hình sản xuất nông nghiệp nhưng hiện chỉ có 4 giấy chứng nhận trang trại, trong đó năm 2015 có 3 giấy, năm 2016 có 1 giấy. Tình hình trên cũng là thực trạng chung trong cấp giấy chứng nhận trang trại của toàn tỉnh.
Nút thắt khó gỡ?
Phải ghi nhận là sau khi có Thông tư số 27, các huyện, thị, thành phố đã tiến hành rà soát lại hiện trạng các trang trại, đưa công tác cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại vào quy trình liên thông một cửa… Thế nhưng, 5 năm trôi qua, số trang trại có giấy chứng nhận quá ít. Thực tế ấy như đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tại báo cáo tổng kết năm 2016: “Các hộ chưa có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, lý do giấy chứng nhận chưa có giá trị trong việc vay vốn tín chấp hoặc ưu đãi lãi suất mà chỉ để dùng đăng ký sử dụng điện tại trang trại theo mức giá điện sản xuất”. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, đơn vị có nhiều gói tín dụng cho chủ trang trại vay đã kiến nghị ngành chức năng xem xét lại khâu cấp giấy chứng nhận trang trại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được vốn ưu đãi. Thực tế, chính quyền cấp huyện không ít nơi còn thực hiện cứng nhắc theo Thông tư 27, nhất là tiêu chí phải đạt giá trị sản phẩm/trang trại/năm như trang trại chăn nuôi phải 1 tỷ đồng, trang trại trồng trọt phải 700 triệu đồng… trong khi giấy tờ, hóa đơn để làm bằng chứng đâu phải lúc nào bán hàng cũng có.
Thực tế đang diễn ra theo hướng chủ trang trại không đủ vốn nhưng chính quyền cấp huyện đòi hỏi phải làm có sản phẩm, có doanh thu mới cấp chứng nhận trang trại, bắt buộc chủ trang trại phải bằng mọi cách vay vốn thương mại để sản xuất kinh doanh. Đến khi hoạt động được thì cũng không có đủ điều kiện để vay được vốn ưu đãi. Vòng luẩn quẩn này đến lúc cần tháo gỡ nhưng có vẻ rất khó, vì ngân hàng có những điều kiện riêng để ràng buộc nhằm thu hồi được vốn. Vì vậy, các chủ trang trại kiến nghị, UBND cấp huyện cần linh hoạt hơn trong cấp giấy chứng nhận trang trại, có thể cho nợ tiêu chí doanh thu. Theo đó, cấp giấy chứng nhận ngay ban đầu sau khi xem dự án sản xuất, tương tự như giấy chứng nhận kinh doanh để tạo điều kiện cho chủ trang trại sớm tiếp cận vốn ưu đãi, triển khai dự án nhanh. Sau đó, chính quyền kiểm tra lại, nếu không đúng như ban đầu thì thu hồi giấy chứng nhận hay có những biện pháp khác cũng không muộn. Nút thắt này nhất thiết phải tháo gỡ, nếu không kinh tế trang trại tại tỉnh khó mà phát triển tốt lên…
639 mô hình sản xuất nông nghiệp Đến 31/12/2016, toàn tỉnh có 639 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí trang trại nhưng số trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT lũy kế đến nay chỉ có 56 trang trại, chiếm 8,76 %. |
Bích Nghị