PCI giảm 6 bậc, Bình Thuận cần làm gì để nâng cao thứ hạng?

Kinh tế - Ngày đăng : 08:43, 20/03/2017

BT- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Bình Thuận được xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 (PCI 2016), giảm 6 bậc so với năm 2015. Như vậy Bình Thuận cần giải pháp gì để nâng cao thứ hạng trong những năm tiếp theo?
                
Ảnh: Ngọc Lân

So sánh 2 năm

Năm 2015, Bình Thuận có 4 chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Đồng thời có 6 chỉ số giảm điểm là chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch tiếp cận thông tin, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động tiên phong của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý.

Năm 2016, Bình Thuận có 5 tiêu chí tăng điểm gồm: gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, có 5 tiêu chí quyết định đến chỉ số PCI 2016 của Bình Thuận bị giảm điểm gồm: chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động của bộ máy chính quyền, tính minh bạch thông tin và tiếp cận đất đai. 5 tiêu chí giảm điểm của Bình Thuận là những tiêu chí rất quan trọng, quyết định đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp là 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về PCI 2016 và xếp cuối cùng là các tỉnh Đắk Nông, Lai Châu, Cao Bằng.

So sánh 2 năm 2015 và 2016, chúng ta dễ dàng nhìn thấy điểm trừ của Bình Thuận đều rơi vào tính năng động của bộ máy chính quyền, tính minh bạch tiếp cận thông tin; chi phí thởi gian thực hiện các thủ tục hành chính, quy định của Nhà nước. Vì vậy trong thời gian đến, Bình Thuận cần có một cuộc hội thảo dành riêng cho việc cải thiện thứ hạng PCI. Đặc biệt là không để tồn tại “chi phí không chính thức”, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Phải phân tích sâu về những nguyên nhân cũng như đưa ra những giải pháp thiết thực, đủ mạnh để nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh. Bởi việc nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư được UBND tỉnh hết sức chú trọng, thường xuyên điều chỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

 Đồng bộ các giải pháp

Thời gian đến, tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo cơ chế, chính sách ngày càng đồng bộ, phù hợp hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Quý 1 năm 2017 sắp qua đi, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm nay và những năm tiếp theo. Tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư, chính sách đất đai (trong năm 2016 đã tháo gỡ trước một bước cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch), chính sách thuế, bồi thường giải phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Rà soát các quy định hiện hành của tỉnh về đầu tư để điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành của trung ương và sát hợp với thực tiễn; sửa đổi quy định của UBND tỉnh về giải quyết hồ sơ dự án đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính, mở rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả phần mềm “Một cửa điện tử liên thông” từ cấp xã đến cấp tỉnh ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Hy vọng rằng thứ hạng PCI của Bình Thuận sẽ được nâng cao khi chúng ta tiếp tục phát huy những điểm mạnh, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra.

Quang Tuấn