Ngành thi hành án dân sự: Giảm về số việc lẫn số tiền
Pháp luật - Ngày đăng : 07:40, 18/11/2021
Ngành thi hành án dân sự họp bàn công tác thi hành án dân sự. (ảnh tư liệu). |
Con số không mong
Kết quả thi hành án dân sự năm nay giảm hơn năm trước, thể hiện qua báo cáo tổng kết năm 2021 của ngành. Cụ thể, về số việc giảm 3,64%, về tiền giảm 15,17%. Ngành đã giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng được 112 việc trong tổng số 454 việc, tăng hơn năm ngoái 15 việc, nhưng số tiền thu về giảm 12,7%.
Đối với cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án 118 trường hợp, giảm 24 trường hợp. 33 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, 15 việc chưa tổ chức cưỡng chế vì dịch bệnh, tổ chức cưỡng chế 70 trường hợp (giảm 57 trường hợp so cùng kỳ năm 2020), trong đó có 64 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành.
Với các vụ án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, có 11 việc, trong đó Cục Thi hành án dân sự giải quyết 2 việc, còn lại thuộc các chi cục. Cho đến nay mới giải quyết được 1 việc, đang đề nghị đưa ra khỏi danh sách 3 việc tại các chi cục, hiện còn 6 việc tiếp tục giải quyết. Về xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án, toàn ngành thi hành án dân sự năm nay áp dụng biện pháp bảo đảm đối với 32 trường hợp và xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án 1 trường hợp.
Theo Cục Thi hành án, kết quả đạt được tương đối thấp, nhất là việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cho tín dụng ngân hàng. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có người phải thi hành án trong các vụ án tín dụng, ngân hàng là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần... đến giai đoạn thi hành án thì hầu như đã ngừng hoạt động. Cá biệt có trường hợp liên tục thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc không hợp tác, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trốn tránh, thậm chí lợi dụng thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản.
Ảnh hưởng kết quả
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi hoạt động liên quan đến con người đều bị hạn chế. Trong khi, đặc thù của ngành là các chấp hành viên chủ yếu ở thực địa, xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các bên đương sự để động viên, thuyết phục, xác minh tài sản, tiến hành kê biên, định giá và xử lý tài sản... Theo đó, rất nhiều hoạt động phải đến thực địa và phối hợp với các tổ chức, cá nhân đều phải dừng lại để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cộng đồng. Vì thế việc tổ chức thi hành án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc khác như việc xử lý tài sản để thi hành án chủ yếu là bất động sản liên quan đến đất đai, nhà cửa. Mặc dù cơ quan đấu giá giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua hoặc quyền sử dụng đất vướng mắc về tính pháp lý phải giải quyết nhiều thủ tục mới có cơ sở xử lý. Một số việc phải thi hành án với số tiền lớn, không thể tổ chức thi hành vì vướng dự án bị thu hồi, đất dự án bị một số hộ dân lấn chiếm, công ty giải thể... Để giải quyết được việc này phải mất nhiều thời gian trong công tác phối hợp với các ngành để xử lý tài sản.
Ông Huỳnh Văn Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Năm 2021, ngành thi hành án dân sự đã tập trung triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn, thấp hơn so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Những việc chưa đạt, chúng tôi đang tiếp tục giải quyết, phấn đấu đảm bảo hoàn thành vào năm tới.
Ninh Chinh