Mưa trên đèo Đông Giang
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 11:08, 10/12/2021
Đèo Đông Giang (Hàm Thuận Bắc). |
Từ khi có tuyến đường ĐT 714 dài hơn 41 km nối từ quốc lộ 55 xã La Dạ đến quốc lộ 28 xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) hoàn thành đã trở thành con đường huyết mạch nối từ trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc đến các xã vùng cao và đây cũng là tuyến đường đẹp nhất nối với các trung tâm du lịch của 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Trên tuyến đường này, đèo Đông Giang dài hơn 3 cây số, trước đây được xem là “nút thắt” nguy hiểm nhất, mặc dù đơn vị quản lý đường thường xuyên duy tu, sửa chữa, nhưng vì độ cao, góc cua ngặt nên xuất hiện nhiều điểm đen tai nạn. Đèo Đông Giang có 4 đèo nhỏ, trong đó đèo số 4 dốc hơn 40 độ, cua ngặt, nên người dân chạy xe máy qua đèo luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Nhất là vào mùa mưa đường trơn trượt, ổ gà, ổ voi xuất hiện khá dày. Hơn nữa, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa mặt đường đọng nước tựa như cái bẫy tai nạn… Vì thế, cung đường đèo trước đây được xem như rào cản, kìm hãm sự giao lưu, phát triển kinh tế của địa phương. Để hoàn chỉnh 3 cây số đường đèo, bảo đảm an toàn giao thông sau khi đưa vào sử dụng là sự sáng tạo, nỗ lực rất lớn của đội ngũ kỹ sư, công nhân cầu đường. Đơn vị thi công đã phải huy động các thiết bị “khủng” chuyên dùng để hạ độ cao của đèo hiện hữu, có nơi phải hạ xuống 11m, để độ dốc của đèo chỉ còn 9 độ. Mặt khác, đường đèo được mở rộng 2 làn xe lưu thông và thông thoáng tầm nhìn…
Từ trên cao nhìn xuống, đèo Đông Giang tựa như con trăn khổng lồ đen bóng, uốn lượn giữa khu rừng già xanh thẳm và trườn qua vách núi đá cao. Anh Nguyễn Văn Tiển, ngụ tại thị trấn Ma Lâm phấn khởi cho hay: “Làm nghề lái xe chở khách du lịch nên ngày nào tôi cũng lên xuống cung đèo này. Tuy quen thuộc tuyến đường, nhưng lúc nào tôi cũng thấy lo sợ khi qua cua ngặt, đèo dốc cao… Bây giờ cung đường đèo đã hạ thấp, rất ít chỗ cua nguy hiểm. Hơn nữa, đường tốt, hệ thống cảnh báo giao thông 2 bên đường khá đầy đủ nên dù trời mưa hay nắng cung đèo cũng rất an toàn. Lữ khách qua tuyến đường này không chỉ ngắm công trình “hạ đèo” kỳ vĩ, ngắm cánh rừng Đông Giang trùng điệp xanh thẳm, tận mắt chứng kiến cuộc sống của đồng bào dân tộc K’ ho với vườn cao su bạt ngàn, ngắm công trình thủy điện Đa Mi nằm bên hồ Hàm Thuận rộng mênh mông với hàng chục đảo nhỏ, dừng chân trên những vườn cây sum sê trái ngọt của vùng đất Đa Mi hoặc khám phá ngọn thác 9 tầng hùng vĩ…”.
Sau khi cung đường đèo Đông Giang hoàn thành đưa vào khai thác, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục cho thi công tuyến đường ĐT 714 qua xã Hàm Phú, Hàm Trí tiếp giáp với quốc lộ 28 có chiều dài hơn 9,2 km. Giờ đây, toàn bộ tuyến đường ĐT 714 dài 41 km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các phương tiện qua lại trên tuyến đường này ngày càng nhiều.
Có thể nói, kể từ khi cung đường đèo Đông Giang thông tuyến, đường ĐT 714 được xem là tuyến giao thông huyết mạch, có vị trí chiến lược quan trọng, liên vùng của tỉnh, nối các xã, thị trấn đồng bằng với miền núi, vùng cao Đông Giang, La Dạ, Đa Mi. Đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi cho huyện Hàm Thuận Bắc giao lưu văn hóa, giao thương kinh tế trong vùng và khu vực Tây Nguyên, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở vùng rừng; kết nối các trung tâm du lịch của Bình Thuận với Lâm Đồng… Cơn mưa rừng làm “vùng xanh” Đông Giang càng thêm xanh, ta cảm nhận được sự an toàn và bình yên đến kỳ lạ.
S. HƯƠNG