Nước mắm Phan Thiết trên báo xưa
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:13, 10/12/2021
Theo số liệu thống kê của J. Guillerm, đến năm 1925 toàn tỉnh Bình Thuận có 638 nhà lều, với 1.525 thùng gỗ ủ chượp lớn, 7.759 thùng trung bình và thùng nhỏ.
Nước mắm thành phẩm được người Phan Thiết cho vào tĩn - một loại hũ làm bằng đất sét đã nung chín, hình tròn bầu hông phình ở giữa, đáy thon nhỏ; sau dùng ghe bầu chở đi bán. Theo số liệu từ Sở Thuế Phan Thiết, cũng trong năm 1925, số nước mắm xuất của tỉnh là 4,1 triệu lít, đóng trong 13 triệu cái tĩn. Năm 1928, mỗi năm giới hàm hộ có thể làm ra tới 50 triệu lít nước mắm.
Thế kỷ XX cũng là thời điểm mà báo chí ở Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, giới hàm hộ đã tranh thủ kênh truyền thông này để quảng bá thương hiệu nước mắm Bình Thuận.
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về nghề nước mắm, chúng tôi đã sưu tập được một số mẫu quảng cáo trên các tờ báo đó. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc báo Bình Thuận cuối tuần.
Nước mắm Chữ thập đỏ của doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Huỳnh, được quảng cáo là “ăn đã ngon mà không sanh bệnh vì nước mắm làm tại Phan Thiết và có Nhà nước thí nghiệm hẳn hoi không sai một đỉnh… Đồng bào đến mua nước mắm bổn hiệu đã khỏi sợ lầm nước mắm giả và bổn hiệu sẽ lấy dạ thật thà cung kính để đền bồi ơn chiếu cố” – quảng cáo đăng trên báo Trung lập, số 1289, ra ngày 12/5/1928.
Còn đây là mẫu quảng cáo cũng đăng trên báo Trung lập, số 6292, ra ngày 7/11/1930. Đây là hãng nước mắm Huỳnh Hương của ông Trương Lễ Nghi ở Phan Thiết. Nước mắm Huỳnh Hương có bán ở tiệm Nam Thắng Lợi, số 188 - 189 Quai de Belgique (nay là khu vực Bến Chương Dương, TP. Hồ Chí Minh). Để tránh mua phải hàng giả mạo, thì khách hàng lưu ý trên miệng tĩn có dấu Huỳnh Hương chữ Việt và có dán băng in hình con cá nục đỏ cùng 3 thứ tiếng Việt – Pháp – Trung; bên hông tĩn dán mẫu giấy có đóng dấu vuông như trong ảnh quảng cáo.
Đây là mẫu quảng cáo nước mắm Huỳnh Kim và Thượng Hảo của ông Huỳnh Thanh Liêm trên báo Trung lập, số 6363, ra ngày 3/2/1931. Theo quảng cáo, nước mắm Huỳnh Kim và Thượng Hảo được chế tạo “rất kỹ lưỡng và mùi thơm ngon, có hóa nghiệm đúng luật theo nghị định ngày 18 Avril 1930 (18/4/1930) của Nhà nước để giữ đúng phép vệ sinh”. Để tránh mua phải nước mắm giả, “xin quý ngài lục châu (6 tỉnh Nam kỳ) nhủ lòng chiếu cố đến mua phải nhìn kỹ nhãn hiệu có in theo đây, nắp có bít và dán bảo hiểm của phòng hóa nghiệm của hội Bình Thuận Hàm Ngư Thủy Đồng Nghiệp”. Mẫu quảng cáo còn cho biết, các hiệu nước mắm trên được trữ bán tại các tiệm: Hiệp Thành, Liên Thành, Phước Thọ và Nam Thắng Lợi ở Khánh Hội và cầu Ông Lãnh (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh).
Đây là mẫu quảng cáo “Nước mắm ngon mà rẻ chỉ có Bình Thuận Hàm Nghiệp” đăng trên báo Công luận, số 6921, ra ngày 29/8/1935. Bình Thuận Hàm Nghiệp là một tổ chức của những hàm hộ, thành lập tháng 1/1926, nhằm hỗ trợ sản xuất và kinh doanh nước mắm trước sự lũng đoạn thị trường của những tư sản người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Địa chỉ có bán nước mắm của hội này đặt tại 211 - 212 - 213, Quai de Belgique (nay là Bến Chương Dương - TP. Hồ Chí Minh).
Mẫu quảng cáo này của một đại lý nước mắm ở 148 - 161, Bd. Chavassieux (nay là đường Quang Trung), Hải Phòng có tên Tac Wing Long. Đây là đại lý độc quyền phân phối nước mắm Mũi Né tại miền Bắc Việt Nam. Quảng cáo đăng trên báo Tia sáng, số 1814, ra ngày 25/11/1953.
Từ một số mẫu quảng cáo trên báo xưa phần nào cho thấy trước đây nước mắm Phan Thiết được phân phối rộng khắp trong Nam ngoài Bắc. Qua kênh báo chí mà nước mắm Phan Thiết được người dân khắp các vùng miền trong cả nước biết đến và tin dùng. Do vậy mới nói, để thương hiệu nước mắm Phan Thiết được lớn mạnh, vang xa thì chất lượng sản phẩm là hàng đầu; song, việc quảng bá sản phẩm cũng quan trọng không kém.
ĐỖ THÀNH DANH